Đối với nhiều người, mắc cúm là ốm vài ngày rồi khỏi, nhưng với Kristin Fox, 42 tuổi, hiệu trưởng của một trường học ở bang Ohio, Mỹ, virus cúm đã “ gặm nhấm” cả hai chân và tay của bà khiến bà phải thực hiện một hành trình dài chữa trị để trở về với cuộc sống bình thường.
Sự cố này xảy ra với Fox vào tháng 3 năm 2020, chỉ vài ngày trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát khắp thế giới. Ban đầu, bà bị đau họng và hai hôm sau bà cảm thấy mệt mỏi rã rời. Đi cấp cứu lúc nửa đêm, bà đã xét nghiệm cúm và có kết quả dương tính, mặc dù bà đã tiêm vắc xin phòng cúm hồi tháng 11 năm trước. Y tá chỉ cho bà uống thuốc trị cúm Tamiflu và cho về nhà.
Ngày hôm sau, bà Fox mệt đến nỗi không ra khỏi giường được. Bà cảm thấy như mình sắp chết. Một người bạn là y tá đã tới nhà bà đo huyết áp và đo ô xy, cả hai chỉ số đều ở mức độ thấp nguy hiểm. Người bạn đã lái xe đưa bà tới bệnh viện gần đó. Trong 30 phút, bà đã được dùng máy thở, nhưng nó đã không giúp ích được mấy. Bà đã bị viêm phổi do vi khuẩn, dẫn đến suy nội tạng. Thận của bà Fox cũng ngừng hoạt động và một bên phổi của bà đã bị xẹp.
Fox cho biết, điều mà đội ngũ y tế dường như không nhận ra là bà đã bị sốc nhiễm trùng, một bệnh nhiễm trùng đe dọa tính mạng, gây suy nội tạng và tụt huyết áp. Đến hôm sau, bệnh viện đã mời một linh mục đến cầu nguyện cho bà vì nghĩ rằng bà sẽ không qua khỏi đêm đó, nhưng may sao Fox vẫn sống.
Khi các bác sĩ nhận ra Fox bị nhiễm trùng, bà được truyền thuốc vận mạch nhằm cố gắng cứu các cơ quan quan trọng, mặc dù các bác sỹ nói với gia đình bà rằng, nên chuẩn bị tinh thần cho việc mất một số ngón tay hoặc ngón chân.
Sau khi bác sỹ thông báo với chồng và bố mẹ Fox rằng họ sẽ phải cắt bỏ đôi chân của bà vào ngày hôm sau, mẹ của Fox đã cầu xin các bác sĩ đợi thêm vài ngày nữa để xem liệu Fox có khá hơn hay không – nhưng các bác sỹ nói rằng, nếu họ trì hoãn lâu hơn, tình trạng nhiễm trùng sẽ tiếp tục tăng lên trên đầu gối và chất lượng cuộc sống sẽ trở nên tồi tệ hơn rất nhiều. Ngày hôm sau, đôi chân của Fox bị cắt cụt đến tận đầu gối.
Hai tuần sau, bà Fox bị cắt cụt dưới khuỷu tay, mặc dù tay vẫn có thể cử động được, nhưng tay ngắn hơn rất nhiều so với những người khác.
Sau ca phẫu thuật, Fox dần dần thoát khỏi tình trạng hôn mê. Trong vòng 72 giờ, Fox đã có thể thở mà không cần máy thở và được chuyển ra khỏi phòng chăm sóc đặc biệt, rồi được xuất viện.
Fox nhớ lại: “Họ quấn tôi như một xác ướp vì tôi không muốn các con tôi nhìn thấy – tôi vẫn chưa nói với chúng về việc tôi bị mất tay và chân”.
Sau đó, Fox phải đi vật lý trị liệu và phẫu thuật thẩm mỹ cho đôi chân và tay của mình và trở lại với cuộc sống bình thường sau hơn một năm phải nghỉ làm. Fox cho biết, chính các con và học trò là động lực cho bà trở lại với công việc sau biến cố đáng sợ trong cuộc đời.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của Mỹ, mỗi năm, ít nhất 1,7 triệu người trưởng thành ở Mỹ bị nhiễm trùng huyết và gần 270.000 người chết vì nhiễm trùng.
Bệnh cúm là tác nhân nguy hiểm
Bác sỹ Marc Siegel, giáo sư y khoa lâm sàng tại Trung tâm Y tế Langone NYU, đã gọi bệnh cúm là “tác nhân” khiến bệnh nặng hơn.
Ông nói với Fox News Digital: “Nhiễm trùng thứ cấp do vi khuẩn rất phổ biến, tỷ lệ lên tới 20% đến 30% từ nhiễm trùng xoang đến viêm phế quản, viêm màng não hoặc viêm phổi.”
Bác sĩ lưu ý rằng, cúm có thể gây ra phản ứng viêm gọi là “bão cytokine”, cản trở khả năng chống lại nhiễm trùng do vi khuẩn.
Siegel cảnh báo: “Nếu bệnh viêm phổi do vi khuẩn không được chẩn đoán trong một thời gian, nhiễm trùng huyết có thể xảy ra do vi khuẩn lây lan vào máu. Nếu huyết áp giảm quá thấp, lưu lượng máu đến các chi sẽ giảm và mô có thể chết, dẫn đến phải cắt cụt chi”.
Siegel cho biết, mặc dù nhiễm trùng thứ phát là phổ biến nhưng việc nó dẫn đến nhiễm trùng huyết là “rất hiếm gặp”.
Các dấu hiệu cảnh báo nhiễm trùng huyết bao gồm sốt cao, mệt mỏi, chóng mặt và suy nhược. Để giúp ngăn ngừa tình trạng mất chi, Siegel cho biết điều quan trọng là phải nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện và bắt đầu dùng kháng sinh phổ rộng.
Theo Hà Thu (Tiền Phong)