Nhiều người có thói quen mua dầu ăn theo chai lớn mà không để ý tới hạn sử dụng của chúng.
Dầu ăn là nguyên liệu không thể thiếu khi chế biến các món ăn. Các gia đình thường có thói quen mua dầu ăn theo thùng hoặc chai dầu cỡ lớn để tiết kiệm hơn.
Khác với các loại gói gia vị, khi mua về người dùng cần đổ ra các lọ đựng khác để bảo quản, thì ở dầu ăn, người dùng chỉ cần mở nắp và sử dụng trực tiếp khi cần thiết. Tuy nhiên, có một vấn đề nhiều người chưa thực sự nắm được rõ, đó là vấn đề liên quan đến hạn sử dụng của dầu ăn hay câu hỏi: “Dầu ăn sau khi mở nắp thì dùng tối đa trong bao lâu?”.
Trên thực tế, không quá nhiều người dùng chú tâm đến vấn đề này. Bởi thói quen phổ biến sẽ là cứ mở ra và sử dụng dầu ăn, cho đến khi chai/lọ/can dầu hết thì mới bỏ đi. Tuy nhiên, các chuyên gia đưa ra lời khuyên rằng, dầu ăn cũng có hạn sử dụng nhất định, tính từ sau khi mở nắp chai và người dùng nên chú ý đến nó.
Sau khi mở nắp, dầu ăn sử dụng được trong bao lâu?
Giải đáp cho câu hỏi dầu ăn sau khi mở nắp để được bao lâu, nhiều chuyên gia đã đưa ra lời giải thích. RL King, một người đầu bếp đồng thời và chủ sở hữu của một nhà hàng ở New York, Mỹ nói với Insider: “Dầu ăn chưa mở và bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát có thể có hạn lên tới 2 năm. Nhưng sau khi đã mở nắp, người dùng chỉ nên sử dụng trong khoảng 2-3 tháng là lý tưởng nhất. Tuy nhiên với những loại dầu ăn chất lượng cao, người dùng bảo quản tốt, đảm bảo đậy kín nắp, có thể để được tới 1 năm”.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng nói thêm, việc bảo quản trong những chai thủy tinh hoặc chai nhựa không làm thay đổi, kéo dài hay rút ngắn hạn sử dụng của dầu ăn. Chính vì vậy, suy nghĩ của nhiều người rằng những nhà hàng thường bảo quản dầu ăn trong lọ hoặc chai thủy tinh thì sẽ dùng được lâu hơn, là hoàn toàn sai lầm.
Việc sử dụng dầu ăn dựa trên hạn sử dụng sẽ giúp đảm bảo chất lượng dầu ăn, đồng thời bảo vệ sức khỏe của con người tốt hơn. Bên cạnh tham khảo thời gian được chuyên gia đưa ra lời khuyên như trên, để chắc chắn nhất, khi mua dầu ăn, người dùng cũng có thể tham khảo thông tin được ghi cụ thể trên bao bì sản phẩm.
Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có những trường hợp dầu ăn bị biến chất trước cả thời gian hạn sử dụng. Lúc này, người dùng không nên tiếp tục sử dụng mà nên bỏ đi, thay dầu ăn mới ngay.
Những dấu hiệu nhận biết dầu ăn đã hỏng
Vậy làm thế nào để người dùng có thể nhận biết được những dấu hiệu thể hiện dầu ăn đã bị hỏng? Laurence Edelman, một đầu bếp đồng thời cũng là chủ sở hữu của nhà hàng Left Bank, New York Mỹ cho biết, những dấu hiệu dễ dàng nhất người dùng có thể nhận ra đó là dầu ăn có vị, mùi hoặc màu khác thường.
Đầu tiên là về màu sắc. Thông thường, dầu ăn chất lượng hoặc dầu ăn bình thường, phù hợp để sử dụng thường có màu vàng, độ trong nhẹ. Tuy nhiên nếu nhận thấy chai/lọ/can dầu ăn nhà mình chuyển dần sang màu vàng sậm, thậm chí là vàng nâu hay ngả đen, không còn độ trong mà đục hơn, lúc này có nghĩa là chất lượng dầu ăn đang bị suy giảm. Thậm chí, chúng đã sắp hết hạn.
Tiếp đến là về mùi vị. Về cơ bản, dầu ăn không có mùi và vị quá rõ ràng. Người dùng có thể nhận ra mùi khác lạ trước vị của dầu ăn. Dầu ăn sắp hoặc đã hỏng thường có mùi hơi hôi, tương tự như mùi của thức ăn bị ôi thiu. Các chuyên gia khuyến cáo rằng, kể cả dầu ăn chưa đổi màu nhưng đã xuất hiện mùi, vị lạ, tốt nhất người dùng không nên cố gắng tiếp tục sử dụng. Các tác nhân khiến dầu ăn có mùi có thể là một số vi khuẩn.
“Thực phẩm ôi thiu nói chung không chỉ mất vitamin mà còn có khả năng phát triển thành những hợp chất độc hại”, Eric Decker, người đứng đầu Khoa Khoa học Thực phẩm tại Đại học Massachusetts Amherst, Mỹ nhấn mạnh.
Hầu hết các loại dầu ăn bị hỏng, kể cả trước hạn sử dụng, đa phần đều do cách bảo quản của người sử dụng. Như đã nói ở trên, sau khi sử dụng xong, người dùng nên đảm bảo đậy kín nắp chai/lọ/can dầu ăn nhà mình, bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát. Dưới đây cũng là một số lưu ý khác về việc bảo quản, sử dụng dầu ăn được các chuyên gia đưa ra.
– Không trộn lẫn dầu ăn mới và dầu ăn cũ: Khi kết thúc chu trình nấu ăn mà vẫn còn dư lượng dầu ăn nhất định, nếu dầu ăn còn đủ sạch để tái sử dụng, người dùng hãy đổ riêng ra một chiếc bát khác, đậy nắp kín. Dầu ăn cũ cũng được khuyến cáo chỉ sử dụng thêm 1-2 lần.
– Tham khảo kỹ hướng dẫn bảo quản của nhà sản xuất: Hiện nay trên thị trường, có nhiều loại dầu ăn, được tạo nên từ nhiều nguyên liệu khác nhau. Có thể kể tới như dầu động vật, dầu thực vật, dầu đậu nành, dầu ôliu, dầu mè… Tùy vào các loại dầu ăn này mà sẽ có cách bảo quản tốt nhất khác nhau. Thậm chí có loại còn được khuyến khích để trong tủ lạnh.
6 loại thực phẩm “không có hạn sử dụng”
Nếu như dầu ăn cần được bảo quản trong thời gian nhất định thì các thực phẩm sau lại có thể dùng được rất lâu mà không lo bị biến chất.
1. Muối: Nhiều người nghĩ rằng muối đông lại thành cục sau một thời gian sử dụng nghĩa là muối đã bị hỏng. Thực tế không phải như vậy. Muối đóng cục chỉ là do chúng bị ướt, còn về bản chất, muối là một loại khoáng chất nên không thể hỏng được.
2. Mật ong: Dù trên bao bì của các sản phẩm mật ong vẫn có hạn sử dụng theo quy định đối với nhà sản xuất, song mật ong gần như không bao giờ bị hỏng. National Honey Board cho biết mật ong ngay cả khi nó kết tinh hoặc sẫm màu theo thời gian.
Năm 2015, các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra những chiếc bình mật ong 3.000 năm tuổi trong một ngôi mộ Ai Cập. Họ đã khuấy một ít cho vào trà ngay lúc đó vì nó vẫn còn có thể dùng được.
3. Giấm: Theo EatbyDate, giấm là 1 sản phẩm không có hạn sử dụng bởi pH của chúng quá thấp ức chế sự phát triển của vi sinh vật. Tuy nhiên, để đạt được thời hạn vĩnh viễn, phải đảm bảo cất giữ giấm trong bình, lọ kín, đặt ở nơi mát mẻ, cách xa nguồn nhiệt và không bị ánh nắng mặt trời chiếu vào.
NT (SHTT)