Dù chưa một lần nghe bố vạch ranh giới nhưng chúng tôi luôn hiểu rằng đi lấy chồng, nơi mình cần vun vén là nơi mình đang sống và sinh con đẻ cái. Nhà của bố đẻ thì giao phó cho chị dâu và em dâu.
Mẹ tôi mất từ rất sớm, bố tôi là người bưng những khay trầu đi hỏi vợ cho anh trai và em trai tôi. Chị em tôi có một người chị dâu và một người em dâu.
Cho phép tôi được xin lỗi các bậc ông, cha, chú và các em là nam giới. Là phụ nữ, ai rồi cũng phải đi lấy chồng rồi làm con dâu. Có lẽ hơn ai hết chỉ những người đi làm dâu mới thấu hiểu được nỗi đắng cay, tủi cực khi về sống với những người mà họ quan niệm nàng dâu là những kẻ khác máu tanh lòng.
May mắn thì được các thành viên bên gia đình chồng thương yêu đùm bọc, còn ngược lại thì cay đắng trăm bề. Ngoảnh đi ngoảnh lại cũng chỉ có chồng là chỗ dựa.
Nếu người chồng tốt tính, tốt nết, cương trực, thẳng thắn và biết thương vợ thì không sao còn ngược lại thì sống ở cái nơi được gọi là nhà ấy cũng chẳng khác gì địa ngục.
Nói như vậy, có lẽ sẽ khiến các bạn trẻ, đặc biệt là các bạn nữ bi quan khi nghĩ đến mấy chữ lập gia đình. Nhưng từ thực tế cuộc sống làm dâu của chính mình, tôi dám khẳng định một điều rằng, họa đôi khi cũng do chính mình mà ra.
Được nhà chồng yêu thương hay không phần nào đó cũng phụ thuộc vào những kẻ đi làm dâu hay còn gọi là những kẻ khác máu tanh lòng chúng mình.
Trong gia đình mình, tôi vừa là em chồng cũng vừa là chị chồng, lại là người lập gia đình muộn nhất. Có lẽ mẹ tôi linh thiêng muốn tôi nhìn thấy rồi học hỏi những người đi trước nên mới sắp xếp như vậy. Mà người để tôi học hỏi trước khi xuất giá tòng phu lại chính là chị dâu và em dâu tôi.
Tôi nghĩ không có gì là xấu hổ khi mình là chị mà phải nhìn nhận cách làm dâu từ một người mình gọi là em. Bởi cuộc sống này có muôn điều bất ngờ mà không phải cứ được sinh ra, có mặt ở đời là đã biết. Họ lập gia đình trước, đối diện với những mối quan hệ phức tạp trước, cách họ giải quyết thấu đáo những mối quan hệ phức tạp ấy như thế nào.
Tôi âm thầm quan sát và nhìn nhận rồi bỏ túi những kinh nghiệm sống khi đi làm dâu để hi vọng bản thân không làm buồn vong linh mẹ, không muối mặt bố (khi mình không được nhà chồng thương yêu thừa nhận).
Trong mắt tôi, chị dâu và em dâu là những người không thể chê vào đâu được, họ là những người rất tuyệt vời. Có lẽ ông trời thương xót bố con tôi góa bụa, côi cút, nên đã giúp anh trai và em trai tôi lấy được những người con gái được tính được nết về làm vợ. Hay đây chính là phúc phần của đại gia đình tôi.
Đối với chúng tôi, chị dâu như một người mẹ, vì chị dâu và anh trai đã cùng bố chung tay, chung sức, nuôi chúng tôi ăn học, khôn lớn rồi dựng vợ gả chồng cho chúng tôi – những đứa trẻ sớm thiếu vắng sự bảo ban và bàn tay chăm sóc ân cần của người mẹ.
Chị em dâu và chị em chồng chúng tôi rất gần gũi, thân thiện và tình cảm từ trong cách xưng hô với nhau. Với chúng tôi, chị luôn xưng hô là chị, gọi tất cả chúng tôi là em. Ngót 30 năm tôi chưa một lần nghe chị xưng hô “tôi”, hay “bác”.
Cách xưng hô của chị cho chúng tôi cảm giác gần gũi thân thiện, không hề có khoảng cách “khác máu tanh lòng” như người đời vẫn nói. Em dâu tôi cũng vậy, rất gần gũi và thân thiện đến mức chị em chúng tôi không phải né tránh, không phải dối lòng, không phải nhẫn nhịn hay lựa chọn cách cư xử.
Giữa chị em dâu với chị em chồng, chúng tôi cởi mở, chân thành, thật lòng gắn bó, tôn trọng nhau, giúp đỡ cũng như động viên nhau trong cuộc sống.
Bố mẹ sinh được cả thảy 5 anh em, hiện tại chúng tôi đã là 5 gia đình, chị dâu và anh cả ở xa một chút, còn lại chúng tôi ở quây quần bên bố, kẻ ở cách 100m, kẻ nửa cây số còn bản thân tôi cách nửa giờ đi xe máy.
Mỗi khi có việc gia đình, giỗ chạp ông bà hay mẹ, anh chị tôi ở xa nhất cũng kịp chở nhau về bằng xe máy trước 8h sáng, chị em tôi ở gần cũng lục tục kéo đến mỗi người mỗi việc làm cơm cúng ông bà và cúng mẹ.
Chúng tôi có 5 anh em, mỗi đứa mỗi nết, thế nhưng suốt 30 năm, từ ngày anh cả lập gia đình, bố tôi chưa một lần phải đứng ra phân xử bất cứ chuyện gì. Bố tôi sống cùng vợ chồng cậu em trai áp út. Ông bà ta vẫn thường nói trẻ tham ăn già trái thói, hay một đời người hai đời con nít… để nói đến nỗi vất vả khó khăn như thế nào khi sống bên cạnh một người già.
Thế nhưng kể cả chị dâu, lẫn em dâu tôi đều rất lễ phép trong cách cư xử với bố. Cách cư xử vừa hiện đại theo ý mình vừa cổ súy phong kiến theo ý bố để nhà cửa lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười. Phận gái cũng đi làm dâu nên chị em chúng tôi luôn thông cảm sẻ chia, trên hết là động viên nhau để vượt qua những vất vả trong cuộc sống. Sớm bỏ túi những điều trông thấy trong cuộc sống đã giúp chị em gái chúng tôi tự hoàn thiện mình khi xuất giá làm dâu nhà người.
Mẹ mất sớm, chỉ còn mình bố, nếu cuộc sống của bố có xen lẫn tiếng bấc tiếng chì, hay những tiếng thở dài cùng với nét mặt rầu rĩ sẽ khiến chị em gái chúng tôi lo lắng, không yên lòng vì thương bố và tủi thân cho chính mình.
Ở gia đình, mặc dù đã thuộc lớp người xưa nay hiếm, bố tôi vẫn là trụ cột, anh chị em chúng tôi vẫn chịu sự điều hành từ bố trong mọi công việc lớn nhỏ. Dù chưa một lần nghe bố vạch ranh giới nhưng bản thân chúng tôi luôn hiểu rõ rằng đi lấy chồng, nơi mình cần vun vén là nơi mình đang sống và sinh con đẻ cái. Còn nhà của bố đẻ mình giao phó cho chị dâu và em dâu.
Cũng như mình, đi lấy chồng là gánh vác giang sơn nhà chồng. Công lớn việc nhỏ chị em gái chúng tôi chỉ là người giúp sức, góp ý. Còn làm sao và làm như thế nào là trách nhiệm của chị dâu và em dâu. Họ có trách nhiệm đối nội, đối ngoại, có trách nhiệm tạo dựng và duy trì niềm vui, niềm hạnh phúc trong ngôi nhà ấy.
Nói như vậy nghe ra thì nặng nề, nhưng nghĩ đến bản thân cũng đi làm dâu, cũng chỉ mong mình sống và làm được như họ cũng may mắn lắm rồi.
Theo Trần Thị Biên (VietNamNet)