Hàng trăm người già chặn xe đón dâu xin tiền: ‘Đưa tiền hay không có vợ’

Xuất phát từ tục lệ “đưa tiền hay không có vợ”, khoảng 100 người lớn tuổi tỉnh Giang Tô vây kín ôtô của chú rể, đòi quà mừng, đang nhận chỉ trích.

Tại một ngôi làng ở Thái Châu, tỉnh Giang Tô (Trung Quốc), người dân địa phương vẫn duy trì phong tục cưới xưa để thử lòng chú rể, theo Fengqi.

Đám đông khoảng 100 người, chủ yếu là người cao tuổi, sẽ chặn đầu xe chú rể khi nhà trai đến xin dâu. Họ sẽ không tránh đường cho đến khi chú rể hoặc người nhà đưa lì xì hay món quà nho nhỏ.

Hàng trăm người già chặn xe đón dâu xin tiền: 'Đưa tiền hay không có vợ'

Nghi thức chặn đường chú rể được gọi là “lan men”, có nghĩa là “chặn cửa”. Người dân địa phương cho biết mục đích của tục lệ này là để thử lòng chú rể, kiểm tra xem quyết tâm cưới vợ của người đàn ông ấy đến mức nào, đồng thời để cặp đôi chia sẻ hạnh phúc với mọi người bằng cách tặng quà.

Một số người thân, bạn bè của cô dâu thậm chí còn đặt ra những thử thách như bắt chú rể giải câu đố, ngâm thơ hay thể hiện tài ca hát, nhảy múa.

Theo truyền thống, chú rể hay người nhà phải đưa cho những người trong đám đông mọi thứ họ yêu cầu. Đó có thể là tiền mặt, thuốc lá, đường, bánh kẹo…

Về mặt lý thuyết, nếu họ không hài lòng với lễ vật, chú rể sẽ không thể vào trong gặp cô dâu, hoặc sẽ đến nhà gái muộn.

Một người tổ chức đám cưới ở Thái Châu cho biết gia đình chú rể thường chuẩn bị nhiều quà và phong bao đỏ lì xì để phân phát cho đám đông chặn xe chú rể.

“Nếu có nhiều người ở đó, gia đình chú rể chỉ bỏ 1 tệ vào mỗi gói bao bì đỏ. Nếu không có nhiều người, họ thường để 10 tệ. Những người cao tuổi trong làng vẫn cố gắng duy trì phong tục này”, người tổ chức đám cưới cho biết.

Hàng trăm người già chặn xe đón dâu xin tiền: 'Đưa tiền hay không có vợ' - 1
Đám đông vây quanh xe chú rể trước khi vào nhà cô dâu ở Thái Châu

Ngay khi chia sẻ lên mạng xã hội, câu chuyện đã thu hút hàng nghìn lượt bình luận, nhưng đa phần lên án truyền thống cổ hủ này.

“Thật là phong tục xấu xí. Đây rõ ràng là một vụ trấn lột”; “Phong tục này sẽ ngăn cản những người trẻ tuổi kết hôn, khi phải chịu áp lực từ sính lễ cao và phân phát quà cho người lạ”, một số người nói.

Nhưng vẫn có quan điểm bảo vệ. “Vấn đề là phải có một đám đông lớn để tạo ra một bầu không khí sôi động trong đám cưới. Nếu ít người đến dự lễ lan men nghĩa là nhà trai không hòa thuận với những người khác trong làng. Nếu thấy tốn tiền, chỉ cần làm các bao lì xì một nhân dân tệ là được”, một người viết.

Vài năm qua, nhiều tập tục trong đời sống xã hội ở Trung Quốc, đặc biệt là ở vùng nông thôn, liên quan đến hoạt động cưới hỏi, bị dư luận nước này phản đối, yêu cầu thay đổi. Nhức nhối nhất là vấn nạn thách cưới, trong đó nhà gái yêu cầu nhà trai phải có một khoản sính lễ (nạp tài) lớn mới đồng ý gả con. Vì tiền sính lễ quá cao mà tình trạng đàn ông không thể kết hôn ở Trung Quốc ngày càng nhiều.

Hun nao, được gọi là “đám cưới nóng bỏng” cũng là một tập tục gặp nhiều chỉ trích. Theo đó, phong tục này cho phép những người dự đám cưới được chế nhạo chú rể, cô dâu và thậm chí cả phù dâu để tạo tiếng cười. Tuy nhiên, những hành đồng quá đà đã dẫn đến bạo lực và quấy rối tình dục được báo cáo. Hay một phong tục khác ở tỉnh Giang Tây yêu cầu cô dâu mặc trang phục cưới truyền thống phải quỳ trong vài giờ trước khi gặp chú rể, nhằm thể hiện tình cảm.

NT (SHTT)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *