Hiện trạng béo phì ở trẻ em tiểu học làm dấy lên sự lo ngại về cách cha mẹ nuôi con.
Mới đây, theo thông tin được công bố từ PGS.TS Bùi Thị Nhung, Trưởng khoa Dinh dưỡng Học đường và Ngành nghề, Viện Dinh dưỡng tại Hội thảo quốc tế “Phát triển năng lực hệ thống trong công tác Dinh dưỡng học đường tại Việt Nam” diễn ra ngày 20/10 tại Hà Nội, trong 10 năm, từ năm 2010 – 2020, tỉ lệ béo phì, thừa cân ở nhóm 5-19 tuổi tăng vọt, từ 8,5% lên 19%.
Theo chính PGS. Nhung cho biết, điều này xuất phát từ tâm lý “con đang tuổi ăn tuổi lớn nên cần cho con ăn nhiều để bụ bẫm, khỏe mạnh và đầy đủ”. Đây cũng là quan niệm mà không chỉ riêng cha mẹ, bất kỳ thành viên nào trong gia đình cũng sẽ có xu hướng đó. Không quá khó để bắt gặp những câu chuyện về việc ông bà lúc nào cũng chê cháu còn ốm để bồi bổ, hay anh chị mua bánh kẹo, nước ngọt cho các em mỗi khi có dịp… Lâu dần, những hành động tưởng chừng rất bình thường này lại trở thành nguyên nhân góp phần “khiến” trẻ bị béo phì.
Chưa kể, sự bùng nổ của hệ thống thức ăn nhanh, đặt hàng qua app càng “tiếp tay” cho việc khiến trẻ béo phì. Ngay cả những đứa trẻ ở tuổi chừng 5, 6 – 11 tuổi là đã có thể sử dụng điện thoại thuần thục để đặt đồ ăn qua mạng. Cha mẹ bận rộn cũng có thể sử dụng fastfood cho các con một cách nhanh chóng, tiện lợi và đỡ mất công nấu nướng.
Trên thực tế, việc béo phì kéo theo rất nhiều hệ lụy, từ tim mạch, hô hấp cho đến các bệnh như tiểu đường, rối loạn tiêu hóa… “Nghiên cứu thực hiện trên 500 trẻ em béo phì, có 30-55% trẻ bị rối loạn mỡ máu” – PGS. Nhung cho biết.
Trong khi đó, cha mẹ lại khó lòng có thể kiên quyết giúp con giảm cân, nhất là đối với những đứa trẻ đang độ tuổi phát triển. Bởi lẽ, các con chưa đủ nghị lực giảm cân trong khi cha mẹ thì không đủ nghị lực để cương quyết cắt giảm các khẩu phần ăn không lành mạnh của con mình.
Duy Lộc (SHTT)