Những tòa nhà nổi tiếng nhất thế giới mà Dothi.net giới thiệu tới bạn đọc dưới đây không chỉ có kiến trúc, thiết kế ấn tượng mà còn mang ý nghĩa lịch sử, văn hóa sâu sắc.
Tháp Burj Khalifa (Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất)
Năm hoàn thành: 2009
Được hoàn thành vào năm 2010 và chính thức được coi là cấu trúc nhân tạo cao nhất thế giới. Công trình này gồm 200 tầng, trị giá 1,5 tỷ USD. Với chiều cao 828m, Buji Khalifa hay còn được gọi là Buji Dubai cao gấp đôi tòa nhà Empire ở Mỹ và cao gấp 3 lần tháp Eiffel ở Pháp.
Tháp Buji Khalifa |
Không chỉ nắm giữ danh hiệu tòa nhà cao nhất thế giới, Buji Khalifa còn hấp dẫn du khách bởi hàng loạt danh hiệu như có tầng quan sát cao nhất thế giới, sở hữu bể bơi cao nhất thế giới hay thang máy với khoảng cách đi lại dài nhất thế giới.
Tháp đôi Petronas (Malaysia)
Năm hoàn thành: 1996
Khi đến Kuala Lumper, Malaysia, bạn sẽ bị choáng ngợp bởi tòa tháp đôi Petronas đẹp lộng lẫy, sừng sững vút lên giữa trời xanh. Công trình này có chiều cao 452m gồm 88 tầng và đã giữ danh hiệu tòa nhà cao nhất thế giới trong suốt 6 năm (từ năm 1990 đến năm 2003) trước khi bị tòa Taipei 101 vượt mặt.
Tháp đôi Petronas |
Ngoài chiều cao ấn tượng, chiếc cầu Skybridge dài 158m nối liền hai tòa tháp ở tầng 41 và 42 trên độ cao 170m cũng chính là điểm nhấn độc đáo của công trình. Được coi là chiếc cầu trên không cao nhất thế giới, Skybridge có chức năng như một con đường thoát hiểm, đồng thời giúp du khách được trải nghiệm cảm giác thú vị khi ngắm nhìn thành phố từ trên cao qua tường kính trong suốt.
Nhà hát Opera Sydney (Úc)
Năm hoàn thành: 1973
Nhà hát Opera Sydney tọa lạc tại trung tâm thành phố Sydney (Úc), có kiến trúc hình vỏ sò độc đáo hay những cánh buồm căng gió ra khơi. Nhà hát mở cửa lần đầu vào năm 1973 và gồm rất nhiều khu biểu diễn.
Nhà hát Opera Sydney |
Hàng năm, công trình kiến trúc này đón tiếp hàng nghìn lượt khách ghé thăm và là nơi tổ chức hơn 1.500 buổi biểu diễn. Nhà hát hình vỏ sò vinh dự góp mặt trong danh sách Di sản Thế giới được UNESCO công nhận vào năm 2007. Công trình có thiết kế hiện đại gồm một loạt các tấm bê tông đúc sẵn ghép lại với nhau tạo thành hệ mái rất đặc biệt và được bao phủ bởi một lớp ngói trắng bóng bẩy khiến nó trở nên nổi bật so với những công trình lân cận.
Tòa nhà Empire State (Mỹ)
Năm hoàn thành: 1931
Tọa lạc tại khu phố trung tâm Manhattan, NewYork, tòa nhà chọc trời gồm 102 tầng có chiều cao 380m và nếu tính cả ăng-ten nó cao 443m. Tên của tòa nhà được đặt theo biệt danh của tiểu bang New York. Trong suốt 40 năm kể từ khi được xây dựng vào năm 1931, tòa nhà Empire State từng chiếm giữ vị trí đầu bảng trong danh sách những công trình cao nhất thế giới cho tới khi Trung tâm Thương mại Thế giới được hoàn thành vào năm 1972.
Tòa nhà Empire State |
Công trình không chỉ có thiết kế đẹp mắt mà phong cách bài trí cũng rất đặc biệt, được mệnh danh là một trong bảy kỳ quan thế giới hiện đại. Hiện tại, đây là tòa nhà chọc trời cao thứ 3 tại Mỹ, cao thứ 22 trên thế giới, đồng thời được coi là biểu tượng cho sức mạnh tài chính và sức sống của cả thành phố New York.
Tòa nhà Flatiron (Mỹ)
Năm hoàn thành: 1902
Công trình cao chọc trời Flatiron có tên ban đầu là Tòa nhà Fuller, nằm tại Manhattan, New York. Sau khi được hoàn thành vào năm 1902, Flatiron trở thành một trong những tòa nhà cao nhất và mỏng nhất tại thành phố này. Đúng như tên gọi, khi nhìn từ trên cao xuống, công trình khiến người ta liên tưởng đến chiếc bàn ủi quần áo bằng sắt (flat-iron).
Tòa nhà Flatiron |
Cung điện Buckingham (Anh)
Năm hoàn thành: 1827
Cung điện Buckingham là nơi ở chính thức và nơi làm việc chính của Hoàng gia Anh. Công trình tọa lạc thành phố Westminster và trở thành biểu tượng của Vương quốc Anh. Ban đầu, công trình này vốn là một ngôi nhà phố lớn được xây dựng cho Công tước Buckingham nên còn được biết đến với tên gọi Tòa nhà Buckingham và đây chính là trung tâm của cung điện.
Cung điện Buckingham |
Năm 1961, vua George III đã mua lại Cung điện để tặng cho Hoàng hậu Charlotte. Tòa nhà được mở rộng vào thế kỷ 19 với 3 cánh được được xây thêm ở xung quanh sân. Khi Nữ hoàng Victoria lên ngôi vào năm 1937, nơi này chính trở thành nơi ở của Hoàng gia Anh.
Nhà Trắng (Mỹ)
Năm hoàn thành: 1800
Một công trình ghi dấu ấn khác chính là Nhà Trắng hay Tòa Bạch Ốc. Tọa lạc tại số 1600 Đại lộ Pennsylvania Ave NW, Washington, DC 20500, Nhà Trắng chính là nơi sinh sống và làm việc của các đời Tổng thống Mỹ từ năm 1800. Tòa nhà được thiết kế theo phong cách tân cổ điển bởi kiến trúc sư lừng danh James Hoban, người Ailen và được xây dựng từ năm 1792 đến năm 1800. Thoạt nhìn, ít ai có thể nhận ra Nhà Trắng rộng đến mức nào bởi phần lớn cấu trúc của công trình ẩn dưới mặt đất khiến nó trông nhỏ bé hơn kích thước thật khi so sánh với khung cảnh xung quanh.
Nhà Trắng |
Năm 1814, chiến tranh nổ ra, quân đội Anh đã phá hủy toàn bộ nội thất bên trong và thiêu rụi bên ngoài công trình. Khi đó, tòa nhà gần như bị trơ trọi hoàn toàn. Sau đó, Nhà Trắng được khôi phục và mở rộng trong suốt những năm qua. Năm 1901, Tổng thống Theodore Roosevelt nhận thấy tòa nhà quá chật chội nên đã ra lệnh mở rộng bằng cách xây thêm Cánh Tây.
Năm 1948, các phòng bên trong đã được tháo dỡ, những thanh dầm bằng gỗ được thay thế bằng dầm bê tông cốt thép chịu lực. Trải qua nhiều năm gia cố và mở rộng, Nhà Trắng hiện tại là tổ hợp gồm Dinh thự Executive, Cánh Tây, Cánh Đông, Tòa nhà Văn phòng Eisenhower Executive và Tòa nhà Blair.
Đền Taj Mahal (Ấn Độ)
Năm hoàn thành: 1653
Đền Taj Mahal nằm ở Agra, Ấn Độ là lăng mộ được xây bằng đá cẩm thạch trắng. Hoàng đế Shah Jahan đã cho xây dựng đền Taj Mahal để tưởng nhớ người vợ Mumtaz Mahal. Tòa nhà xinh đẹp này là minh chứng cho tình yêu bất diệt giữa vị vua và người vợ quá cố thân yêu.
Đền Taj Mahal |
Đền Taij Mahal là hình mẫu tuyệt vời của Kiến trúc Mô-gôn, một phong cách pha trộn giữa các yếu tố của các phong cách Kiến trúc Ba Tư, Ấn Độ, Hồi giáo và Thổ Nhĩ Kỳ. Công trình trở thành Di sản Thế giới được UNESCO công nhận vào năm 1983. Dù phần mái vòm bằng đá cẩm thạch trắng trên lăng mộ là chi tiết nổi bật nhất nhưng trên thực tế, Taj Mahal là một tổ hợp các cấu trúc. Quá trình xây dựng đền bắt đầu từ năm 1632 và hoàn tất sau hơn 20 năm. Lăng mộ là trọng tâm của tổ hợp công trình được hoàn thành trong năm 1948.
Nhà thờ thánh Basil (Nga)
Năm hoàn thành: 1561
Tọa lạc ở phía nam Quảng Trường Đỏ, tại trung tâm thành phố Moscow, nhà thờ thánh Basil chính là nhà thờ chính thống nổi tiếng nhất ở Nga. Công trình được xây dựng từ năm 1555 đến năm 1561 theo lệnh của ông vua khét tiếng Ivan “the Terrible” nhằm kỷ niệm việc thâu tóm Kazan và Astrakhan.
Nhà thờ thánh Basil |
Ban đầu, công trình gồm 8 nhà thờ bố trí xung quanh nhà thờ thứ 9. Đến năm 1588, nhà thờ thứ 10 mới được xây dựng ở phía Đông làm nơi chôn cất hài cốt của Vasily Blazhenny. Công trình được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới từ năm 1990.
Đấu trường La Mã (Ý)
Hoàn thành năm 80 sau công nguyên
Hãy cùng đến với nước Ý, nơi có công trình kiến trúc tuyệt đẹp và nổi tiếng nhất thế giới: đấu trường La Mã hay Amphitheatrum Flavium, sau đổi tên là Colosseum. Đây thực sự là một công trình kiến trúc nặng ký trong danh sách này với niên đại hơn 2.000 năm tuổi và được coi là một trong 7 kỳ quan hiện đại của thế giới.
Đấu trường La Mã |
Colosseum có hình dạng elip độc đáo với chiều cao 48m, dài 189m và rộng 156m, nằm ở trung tâm thành Rome và được xây dựng từ xi măng và đá hoa cương trên vùng đất bằng phẳng. Quá trình xây dựng Colosseum bắt đầu từ năm 72 sau công nguyên dưới thời trị vì của Hoàng đế Vespasian và hoàn tất vào năm 80 sau công nguyên dưới thời Hoàng đế Titus. Đến thời hoàng đế Domitian, công trình được tu sửa khá nhiều. Đấu trường La Mã là đấu trường lớn nhất ở thành Rome với sức chứa lên tới 50.000 người. Ban đầu, công trình được sử dụng để tổ chức các cuộc thi đấu sĩ và sự kiện công cộng như hành quyết, các trò chơi săn bắn hoặc mô phỏng các trận đánh.
Theo Báo mới