Câu chuyện liên quan đến các Ban phụ huynh chưa bao giờ hết tranh cãi.
Việc tham gia Ban chấp hành hội phụ huynh học sinh (hay có thể gọi là Ban phụ huynh) là câu chuyện khó xử của các bậc cha mẹ. Có không ít trường hợp buộc phải tham gia, nhưng cũng có nhiều bậc cha mẹ muốn vào để góp phần cùng thầy cô giáo và nhà trường chăm lo cho các con. Nhưng tất nhiên, khi những sự việc lùm xùm liên quan đến thu chi trong lớp học đang rộ lên gần đây, Ban phụ huynh cũng đặc biệt bị “soi” hơn bình thường.
Mới đây, một bà mẹ đã lên tiếng mạnh mẽ tố cáo Ban phụ huynh. Theo đó, người mẹ này tố BPH chỉ đơn thuần là một kiểu “cánh tay nối dài của giáo viên”, và các thành viên tham gia để nhằm mục đích tiếp cận giáo viên và nhà trường dễ dàng hơn cũng như không minh bạch tài chính trong các vấn đề thu chi của lớp học. Điều này gây nên làn sóng tranh cãi dữ dội và ý kiến từ nhiều phía.
Theo chính một thành viên có kinh nghiệm lâu năm làm trong BPH, anh cho biết bản thân rất ngại việc được mời vào các vị trí này: “Công việc chẳng khác nào “vác tù và hàng tổng” nhưng luôn chịu nhiều điều tiếng”. Thậm chí, theo anh cho biết, mỗi khi công bố các khoản thu chi là một lần cảm giác nặng nề. Chính vì vậy, sau khoảng 5 năm có kinh nghiệm làm BPH, anh quyết định tránh xa là tốt nhất, để dành thời gian lo cho gia đình và công việc của bản thân.
Chị H.N chia sẻ: “Tôi có làm trong BPH 2 năm, nhìn cái gì trong lớp cũng thấy muốn thay muốn sửa; kêu gọi không được nên tôi bỏ tiền chi luôn cho nhanh. Mà tôi thấy BPH nào cũng toàn kiểu ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng, trăm dâu đổ đầu tằm, thu tiền khó ngang lên trời, từng khoản: Số tiền: khoản chi… bị phụ huynh trong lớp soi toét mắt thì lấy đâu ra mà “kiếm với chác”.
Trên thực tế, theo quan niệm xưa nay thì việc một thành viên BPH sẽ có quyền hạn và dễ tiếp xúc với giáo viên/nhà trường hơn các phụ huynh bình thường. Nhưng rõ ràng, nhiều người quên rằng những thành viên BPH cũng là những người lao động và họ vẫn có nhiều thứ phải lo. Chưa kể, chỉ có ở cấp độ cấp 1 và cấp 2 là còn có sự hiện diện của BPH. Nhưng ở các cấp lớp này, thực tế tiền quỹ là quá ít để có thể một ai đó trong BPH có ý nghĩ “đen tối”.
Theo bạn đọc T.M: “Ở trường cấp 2 của con tôi, đa số đều là gia đình trí thức trình độ cao hoặc dân kinh doanh thành đạt. BPH do đó cũng là những người vừa có tiếng nói trong lớp vừa có tiếng nói ngoài xã hội. Nếu nói họ vì tiền quỹ thì thực sự là hơi oan ức. Tôi còn thấy chính BPH mới là những người bỏ tiền nhiều nhất và chạy việc nhiều nhất mỗi khi lớp có hoạt động văn nghệ, ngoại khóa”.
Tất nhiên, vẫn sẽ không có vấn đề gì là tuyệt đối. Nhưng rõ ràng, sẽ không thể chỉ vì được bầu/tình nguyện hoặc buộc phải tham gia BPH mà quy chụp về cách hoạt động của nhóm này. Bởi lẽ, BPH không đại diện cho giáo viên hay nhà trường, mà chính là đại diện cho phụ huynh trong việc chăm lo cho các con cũng như làm việc với giáo viên.
Duy Lộc (SHTT)