Nên xét nghiệm sốt xuất huyết ở ngày thứ mấy?

Sốt xuất huyết có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, trong đó có giảm tiểu cầu. Dù điều trị ở nhà người bệnh vẫn cần thăm khám để được đánh giá tình trạng bệnh.

Sốt xuất huyết là bệnh lây truyền qua đường muỗi đốt, do virus Dengue gây nên, xuất hiện ở các quốc gia vùng nhiệt đới. Sốt xuất huyết có thời gian ủ bệnh từ 1 đến 2 tuần.

Biểu hiện đầu tiên của bệnh là sốt cao, đau mỏi người, đặc biệt là đau đầu, nhức hốc mắt. Các bác sĩ cho biết sốt xuất huyết ở mức độ nhẹ có thể được chỉ định theo dõi tại nhà, song người bệnh vẫn cần đi khám để được chẩn đoán và đánh giá tình trạng bệnh.

Nên xét nghiệm sốt xuất huyết ở ngày thứ mấy?

Liên quan đến việc xét nghiệm sốt xuất huyết để đánh giá tình trạng giảm tiểu cầu, trao đổi với VTC News, bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, bị sốt xuất huyết, người bệnh thường bắt đầu hạ sốt từ ngày thứ 3-4, dẫn tới tâm lý chủ quan vì nghĩ rằng hết sốt là khỏi bệnh.

Tuy nhiên, khoảng thời gian ngày 3-7 mới là lúc bệnh chuyển biến nặng. Thời kỳ này, virus Dengue làm hệ miễn dịch suy yếu dẫn đến biến chứng như xuất huyết dưới da, đau bụng, nôn ói, chảy máu cam, hoặc xuất huyết âm đạo, thay đổi ý thức như lú lẫn, kích thích, vật vã hoặc li bì.

Lúc này người bệnh nên xét nghiệm công thức máu để theo dõi tình trạng bệnh.

“Người khoẻ mạnh mắc sốt xuất huyết, không có bệnh lý kèm theo chỉ cần làm xét nghiệm công thức máu. Đây là xét nghiệm không quá tốn kém, xét nghiệm này thực hiện ở các đơn vị y tế công lập không quá 100 nghìn đồng/lần.

Trường hợp bệnh nhân có dấu hiệu tổn thương các cơ quan khác như gan, thận sẽ được chỉ định làm thêm các xét nghiệm khác”, bác sĩ Phúc nói.

Nên xét nghiệm sốt xuất huyết ở ngày thứ mấy? - 1

Ghi nhận trên Người lao động, bác sĩ Nguyễn Thị Thảo, Phó trưởng Khoa Bệnh máu lành tính, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cho biết, sốt xuất huyết giảm tiểu cầu nếu không điều trị kịp thời khiến sẽ bệnh nhân rơi vào nguy kịch.

Tùy vào mức độ cũng như biến chứng của bệnh có thể dẫn đến chảy máu nội tạng, tràn dịch màng phổi, xuất huyết tiêu hóa, thậm chí tử vong. Chính vì vậy, đây là giai đoạn cần được theo dõi sát sao.

Ngoài ra, bác sĩ cũng khuyến cáo bệnh nhân cần nhập viện khi có triệu chứng vật vã, lờ đờ, li bì, không ăn uống được, đau bụng, nôn, có triệu chứng xuất huyết trên da, xuất huyết niêm mạc…

Sốt xuất huyết có 4 chủng khác nhau là DEN – 1, DEN – 2, DEN – 3 và DEN – 4. Cả 4 chủng virus đều có khả năng gây bệnh nên nếu mắc chủng loại này rồi vẫn có thể mắc loại khác.

PGS-TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết ở người khỏe mạnh, số lượng tiểu cầu trung bình trong máu từ 150 – 450 G/L. Mức nguy hiểm khi tiểu cầu giảm dưới 50 G/L, mức nghiêm trọng là 10 – 20 G/L. Với bệnh nhân sốt xuất huyết, theo khuyến cáo tiểu cầu dưới 50 G/L nếu đang điều trị tại nhà nên vào viện ngay. Hoặc trường hợp bệnh nhân có chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất huyết ngoài da cũng như có hiện tượng cô đặc máu như: Chân tay lạnh, nôn mửa, đau bụng vùng gan… cần đi khám ngay.

PN (SHTT)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *