Ung thư di căn sống được bao lâu?

Di căn là giai đoạn khiến người bệnh lo lắng nhất, vì vậy luôn muốn biết ung thư di căn sống được bao lâu và có chữa khỏi được không?

Ung thư di căn là gì?

Ung thư bước sang giai đoạn di căn tức là tế bào ung thư lúc này tế bào ung thư đã tách ra khỏi vị trí nguyên phát ban đầu để di chuyển trong các mạch máu đến các bộ phận khác trên cơ thể. Chúng có thể đến bất kỳ bộ phận nào, tuy nhiên sẽ có những tế bào trong số đó chết đi, phần còn lại sẽ định cư tại khu vực mới và hình thành nên khối u mới theo giai đoạn như sau.

– Tế bào ung thư tiến hành xâm lấn các mô lành ở lân cận.

– Di chuyển xuyên qua thành mạch máu và hạch bạch huyết.

– Di chuyển trong lòng mạch để đi đến các thành phần tế bào khác của cơ thể.

– Các tế bào này dừng lại tại các mạch máu nhỏ và tiến hành di chuyển xuyên qua thành mạch để đến các mô xung quanh.

– Khi đã ổn định, chúng phát triển tại cơ quan này và hình thành khối u di căn.

– Tế bào ung thư kích thích hình thành các mạch máu mới để chúng phát triển tốt hơn.

Ung thư di căn sống được bao lâu?
Ảnh minh họa: Internet

Di căn là giai đoạn khiến người bệnh lo lắng nhất, vì vậy luôn muốn biết ung thư di căn sống được bao lâu và có chữa khỏi được không? Đa phần khi đến giai đoạn này sẽ không thể chữa khỏi, các phác đồ điều trị chỉ nhằm giúp thu nhỏ khối bướu, kìm hãm sự phát triển của chúng. Điều này sẽ giúp người bệnh giảm các triệu chứng khó chịu, đau đớn và kéo dài thời gian sống hơn.

Người bị ung thư di căn có thể sống được bao lâu?

Theo VietNamNet dẫn thông tin theo Medical News Today, các bác sĩ thường mô tả cơ hội của một người bằng cách sử dụng tỷ lệ sống sót sau 5 năm. Chỉ số này được tính toán dựa trên dữ liệu từ hàng nghìn người mắc cùng loại ung thư, cùng giai đoạn.

Tỷ lệ khác nhau tùy thuộc vào loại ung thư và mức độ lan rộng của u trong cơ thể và sức khỏe hiện tại của người bệnh.

Ung thư vú

Đây là một trong những dạng ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ. Năm 2020, toàn thế giới có khoảng 2,3 triệu phụ nữ được chẩn đoán mắc ung thư vú và 685.000 người tử vong.

Hiệp hội Ung thư Mỹ ước tính, tỷ lệ sống sót sau 5 năm đối với những người bị ung thư vú đã di căn đến các vùng xa của cơ thể là 28%.

Ung thư phổi

Ung thư phổi có hai loại chính là ung thư phổi tế bào nhỏ và ung thư phổi tế bào không nhỏ (chiếm đa số).

Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, tỷ lệ sống sót trung bình sau 5 năm đối với những người mắc ung thư phổi tế bào không nhỏ đã di căn xa là 6%. Tỷ lệ này ở ung thư phổi tế bào nhỏ là 3%.

Ung thư di căn sống được bao lâu? - 1
Ảnh minh họa: Internet

Ung thư đại trực tràng

Loại bệnh này có thể điều trị được ở giai đoạn đầu. Với gần 2 triệu ca mắc mới và 1 triệu ca tử vong trên toàn thế giới vào năm 2020, ung thư đại trực tràng lần lượt là nguyên nhân phổ biến thứ 3 và thứ 2 gây ra tỷ lệ mắc và tử vong do ung thư.

Tỷ lệ sống sót sau 5 năm đối với ung thư đại trực tràng đã di căn xa là 14-16%.

Ung thư tuyến tiền liệt

Đây là loại ung thư phổ biến thứ 2 và là nguyên nhân gây tử vong do ung thư đứng thứ 5 ở nam giới trên toàn thế giới, với 1,4 triệu ca mắc mới và 375.000 ca tử vong vào năm 2020.

Tỷ lệ sống của người mắc ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn cuối khá mong manh, chủ yếu tùy thuộc vào mức độ di căn của khối u. Khoảng 30% trường hợp ung thư tiền liệt tuyến giai đoạn cuối có thể sống được 5 năm sau khi chẩn đoán. 

Lời khuyên cho người bệnh ở giai đoạn ung thư di căn

Người bệnh dù đã biết rõ tình trạng cũng như việc ung thư di căn sống được bao lâu cũng cần bình tĩnh để chiến đấu với bệnh. Sau đây là những lời khuyên hữu ích dành cho bệnh nhân.

Ung thư di căn sống được bao lâu? - 2
Ảnh minh họa: Internet

– Tìm hiểu các kiến thức về tình trạng bệnh của mình như biến chứng, phương pháp điều trị, chế độ dinh dưỡng và cách chăm sóc bản thân. Điều này giúp người bệnh hợp tác tốt vào quá trình điều trị.

– Không nên lo lắng quá nhiều, bên cạnh bạn có gia đình, bác sĩ và nhân viên y tế điều trị sẽ chăm sóc tình trạng sức khỏe cho bạn. Bạn có thể bày tỏ những lo lắng và băn khoăn mà mình đang muốn biết với họ.

– Chia sẻ cảm xúc của bản thân với người thân, bạn bè hay những người bạn cảm thấy tin tưởng. Đây là cách người bệnh giải tỏa được căng thẳng và chia sẻ mong muốn của mình.

– Giải tỏa căng thẳng bằng cách tập luyện thể thao nhẹ như yoga, nghe nhạc và cùng trò chuyện bên người thân. Điều này giúp bệnh nhân có suy nghĩ tích cực hơn, nâng cao chất lượng sống và có tinh thần chiến đấu với căn bệnh.

PN (SHTT)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *