Tôi ước ngày 20/10 được chồng mời một bữa tối lãng mạn. Bởi, tôi quá chán ngán kiểu tặng tiền mừng qua tài khoản vào các dịp lễ. Tiếng “ting ting” ấy khiến tôi mất lửa hôn nhân.
Tôi kết hôn năm 26 tuổi khi hoàn thành chương trình thạc sĩ và trở thành giảng viên đại học. Chồng lớn hơn tôi 5 tuổi, làm kỹ sư xây dựng, thường rong ruổi theo các công trình.
10 năm hôn nhân, ngôi nhà của chúng tôi thường vắng bóng anh. Hai năm gần đây, anh là kỹ sư trưởng nên bận rộn hơn trước.
Bên ngoài, mọi người nói tôi tốt số, có chồng giỏi, khá giả, con cái ngoan ngoãn. Ban đầu, nghe những lời “ganh tỵ” của các nữ đồng nghiệp, tôi lấy làm tự hào. Đặc biệt vào những dịp lễ, chồng mua hoa, mua quà gửi đến tận trường khiến tôi nở mày nở mặt.
Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, anh chuyển sang tặng tiền vào các ngày kỷ niệm, lễ 8/3, 20/10. Dù có mặt ở nhà hoặc đi công tác, anh vẫn chọn cách chuyển khoản, kèm lời nhắn muốn mua gì thì mua.
Lúc đầu, khi nhận được tiền mừng từ chồng, tôi thích thú khoe lên mạng xã hội, đưa điện thoại cho đồng nghiệp xem. Ai cũng khen chồng tôi tâm lý, cứ đưa tiền vợ thích mua gì thì mua.
Cứ thế, số tiền mừng thay quà vào các dịp cứ tăng dần theo thời gian và thu nhập của anh.
Lúc đầu chỉ vài trăm nghìn đồng, còn từ đầu năm đến nay, chồng chuyển cho tôi từ 10 – 20 triệu đồng/lần.
Gần đây, tôi phát hiện mình thực sự không thích nghe tiếng “ting ting” vào mỗi dịp lễ. Số tiền mừng lễ lớn dần nhưng tôi không còn háo hức như những lần đầu.
Tôi thấy những món tiền mừng như thế không còn ý nghĩa, nhàm chán. Thay vào đó, tôi ước được chồng tặng hoa, mua quà mà tôi yêu thích.
Chỉ như thế, tôi mới biết chồng có quan tâm đến sở thích, tâm trạng của vợ hay không.
Và, tôi rất thèm cảm giác được bất ngờ, chầm chậm mở hộp quà, đoán anh tặng gì như thuở mới yêu.
Ngày 20/10 năm nay, tôi gợi ý, hy vọng chồng sẽ mời mình một bữa tối lãng mạn. Thế nhưng, anh lại gạt đi và bảo: “Chẳng phải ngày xưa em nói cứ quy ra tiền, vừa tiện lại còn thiết thực. Nay lại nổi hứng lãng mạn, lớn rồi chứ đâu giống lúc đôi mươi”.
Nghe đến đó, tôi chán chẳng buồn nói thêm câu nào. Ngày trước thiếu thốn, tôi sợ tốn kém nên mới dè xẻn, cái gì cũng quy ra tiền.
Hiện tại, cuộc sống đã dư dả nhưng tình cảm vợ chồng cứ nhạt dần. Dịp lễ hoặc kỷ niệm ngày cưới là cơ hội hâm nóng hôn nhân, tại sao chồng tôi lại không chịu hiểu?
Khi tâm sự điều này, tôi biết sẽ có nhiều chị em nêu quan điểm trái chiều. Nhưng thật sự, tôi nhiều lúc tự hỏi “tiền nhiều để làm gì?” khi những cảm xúc ban đầu cứ nhạt dần, rồi có ngày cũng tan biến.
Theo thời gian, sự đồng điệu của hai tâm hồn nảy sinh lệch pha. Một hoặc cả hai cảm thấy cô đơn, nghĩ đối phương không còn hiểu mình.
Đó phải chăng là cơ hội để người thứ ba bước vào hôn nhân của chúng tôi? Tôi sợ mình sẽ lầm đường, khi con tim bắt đầu khao khát sự quan tâm, tinh tế từ đối phương. Điều mà chồng tôi đã không còn.
Độc giả giấu tên
Theo VietNamNet