Bưởi là loại trái cây thơm ngon, giàu dinh dưỡng rất tốt cho sức khoẻ, nhưng không phải ai cũng biết những tác dụng phụ đáng ngại của loại quả này.
Bưởi là loại trái cây chứa nhiều loại vitamin và khoáng chất rất tốt cho sức khỏe. Báo Phụ nữ & Pháp luật dẫn lời Lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Hội Đông y Hà Nội) cho biết, trong Đông y các phần của quả bưởi đều có thể dùng làm thuốc, hỗ trợ rất tốt cho sức khỏe. Theo đó, vỏ bưởi vị đắng cay, tính bình; tác dụng trừ phong hóa đờm, tiêu tích, tiêu phù, hòa huyết giảm đau.
Múi bưởi vị ngọt, chua, mát có dụng kiện tỳ tiêu thực, khoan trung hạ khí, nhuận phế hóa đàm. Dùng tốt cho người bị bụng đầy chướng, đau tức vùng ngực bụng, rối loạn tiêu hóa, nôn ói do nhiễm độc thai nghén, nôn ói do say tàu xe, viêm khí phế quản, viêm họng ho nhiều đàm…
Các nghiên cứu khoa học hiện đại cũng chỉ ra rằng bưởi là trái cây chứa nhiều nước, giàu chất xơ và có hàm lượng vitamin C, B2, P, beta-caroten phong phú. Ngoài ra, chúng còn giàu nguyên tố vi lượng như canxi, kali, phốt pho và sắt… nên khi ăn bưởi sẽ mang lại nhiều tác dụng cho cơ thể.
Dù mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, nhưng ông Sáng tư vấn mọi người nên cẩn trọng khi sử dụng bởi trong một số trường hợp nếu ăn bưởi không đúng cách sẽ rất dễ gây hại cho sức khỏe.
Theo đó, rất nhiều người cho rằng bưởi chứa nhiều nước, giàu vitamin C nên có thể dùng để giải rượu. Đây là một sai lầm cần tránh, nếu trước đó có dùng rượu bia trong bữa ăn thì tuyệt đối không ăn bưởi để tráng miệng.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi uống rượu bia, hút thuốc lá sau đó ăn bưởi làm tăng độc tính của Ethanol và Nicotin. Nguyên nhân là do trong bưởi có hợp chất Furanocoumarin làm tăng men ruột, khiến tăng độc tính của nicotin trong thuốc lá và ethanol trong bia rượu, gây hại cho sức khoẻ. Tốt nhất sau khi uống rượu bia khoảng 48 giờ mới nên ăn bưởi.
Ngoài rượu bia, người đang sử dụng một số loại thuốc cũng không nên ăn bưởi vì nó sẽ làm mất tác dụng của thuốc, đặc biệt là hợp chất Furanocoumarins có trong bưởi.
Theo Trung tâm dinh dưỡng lâm sàng (Bệnh viện K), một số nghiên cứu chỉ ra rằng uống 20ml nước bưởi có thể làm giảm chuyển hóa của thuốc. Theo đó, tác dụng ức chế với thuốc mạnh nhất trong khoảng 1 tiếng kể từ khi bắt đầu uống nước ép bưởi. Thậm chí, có nghiên cứu còn chỉ ra rằng ăn bưởi trong vòng 12 tiếng mới uống thuốc thì mối tương tác này vẫn được ghi nhận.
Dù có tác dụng không tốt với một số loại thuốc điều trị bệnh ung thư như thuốc imatinib, nilotinib, sunitinib, nhóm Etoposide, nhưng loại quả này lại có tác dụng rất tốt với những bệnh nhân bị đái tháo đường. Bởi bưởi có chỉ số đường huyết thấp (GI: 25), hàm lượng chất xơ ổn định nên được dùng cho bữa ăn của bệnh nhân có đường máu cao.
Chính vì những ảnh hưởng khác nhau đến tình trạng sức khỏe của con người nên các chuyên gia khuyến cáo việc sử dụng bưởi trong quá trình điều trị cần tuân theo sự hướng dẫn của nhân viên y tế để tránh tác dụng phụ.
Ăn bưởi sao cho đúng?
Ăn bưởi có thể hạn chế lượng tinh bột dung nạp vào cơ thể, vì thế giúp giảm nỗi lo lắng về bệnh đái tháo đường.
– Các bệnh nhân đái tháo đường cũng được khuyến khích nên ăn 3 phần bưởi mỗi ngày, tương đương với ăn 1 quả bưởi/ ngày để cải thiện tình hình bệnh tật.
– Nước ép bưởi cũng được rất nhiều người dùng để trị tiểu đường. Tác dụng sẽ gia tăng nếu ăn cả bã của múi bưởi. Liều dùng tùy người, trung bình 2-4 múi mỗi ngày.
– Người phải áp dụng chế độ ăn kiêng cũng nên ăn bưởi thường xuyên, bởi lẽ bưởi có khả năng “đốt cháy” các chất béo và calo dư thừa.
Mặc dù bưởi có những lợi ích tuyệt vời như vậy, nhưng điều này không có nghĩa là bạn chỉ ăn riêng bưởi là đủ, mà bạn cần ăn bổ sung đa dạng các loại rau xanh và trái cây khác.
PN (SHTT)