Tôi im lặng không đáp lại vì thật sự trước nay tôi tự tin tay hòm chìa khóa của mình vốn không thuộc dạng không biết lựa trước tính sau. Quả nhiên, còn chưa hết tháng mẹ chồng tôi đã nhăn nhó.
Tôi là giáo viên mầm non, cũng mới vào biên chế nên lương lậu chẳng được mấy. Chồng tôi làm nhân viên kinh doanh, lương lậu phập phồng theo tháng. Về được số thì còn khá khấm, còn tháng nào trượt lại đói dài. Nói chung bình quân hai vợ chồng thu nhập mỗi tháng cả hai cộng lại chỉ tầm 14 – 15 triệu đồng.
Bố mẹ chồng tôi có gần chục triệu lương hưu nhưng mỗi tháng chỉ góp với con dâu 2 triệu, thành thử nhà mấy miệng ăn chủ yếu trông vào từng ấy thu nhập của vợ chồng tôi là chính. Thời gian đầu tôi chưa sinh nở còn đỡ, chứ lúc tôi sinh con rồi thì tài chính gia đình càng khó khăn. Mỗi lần lĩnh lương xong tôi lại đau đầu căn ke các khoản sao cho đủ. Vậy mà mẹ chồng tôi vẫn suốt ngày soi, trách con dâu:
“Sao con chợ búa chi tiêu kiểu gì mà thấy đồ ăn thức uống của nhà cứ mỗi ngày một rút bớt đi thế hả? Mẹ đã nói rồi, trong nhà lúc nào cũng phải để sẵn thùng bia lạnh cho bố con nó uống chứ”.
“Đợt này thằng Bo ốm suốt, lại còn đi mấy đám cưới, đám giỗ trong họ thành ra con cũng kẹt tiền. Với lại con thấy bia rượu có lợi gì đâu, con bảo anh Tuân (tên chồng tôi) rồi từ nay sẽ cắt hẳn khoản bia đi. Anh ấy cũng đồng ý”, tôi nhẹ nhàng giải thích với mẹ chồng nhưng bà vẫn lên giọng trách tiếp:
“Khoản nào ra khoản đó, đàn ông phải có tí bia rượu ăn uống mới vào, cô lại cắt đi là sao. Mỗi tháng tôi cũng đưa cho cô 2 triệu rồi còn gì, sao mà thiếu được. Chẳng hiểu ăn tiêu ra làm sao, hay lại cắt xén giấu quỹ”.
Tôi nghe tới tức tới đỏ mặt, mà chuyện bà nói con dâu giấu tiền tiêu riêng không phải 1, 2 lần. Cứ mỗi lần nhắc tới chuyện chi tiêu bà lại nói thế. Nghĩ oan mà không sao giải thích được làm tôi ức chế vô cùng. Hôm đó tôi quyết định gọi bà vào nói chuyện thẳng thắn:
“Mẹ ạ, nếu mẹ cứ nghi con ăn tiêu không minh bạch hay hoang phí gì thì từ tháng sau lương lậu của vợ chồng con có bao nhiêu con gửi mẹ hết để mẹ lo chi tiêu gia đình. Vợ chồng con chỉ giữ lại mỗi đứa 1 triệu để đi lại xăng xe với 2 triệu bỉm sữa cho cháu”.
Đúng như tôi đoán, nghe con dâu nói, bà hớn hở bảo:
“Cũng được, để tôi chi tiêu vài tháng cho cô xem. Đàn bà mà không biết vun vén, chi tiêu thì chỉ khổ chồng”.
Tôi im lặng không đáp lại vì thật sự trước nay tôi tự tin tay hòm chìa khóa của mình vốn không thuộc dạng không biết lựa trước tính sau. Quả nhiên, còn chưa hết tháng mẹ chồng tôi đã nhăn nhó:
“Kinh thật, một ngày không biết bao nhiêu khoản phải chi. Nay thăm người ốm, mai thăm người đau, cưới xin ma chay kinh quá. Thế này làm sao đủ tiền cho hết tháng”.
Thấy tôi lúi húi trong bếp, bà cứ đi ra đi vào lẩm bẩm chứ không nói hẳn với con dâu. Nghe xong, tôi mới tủm tỉm cười:
“Mẹ ơi, gạo hết rồi, ga chắc cũng chỉ mai là phải gọi bình mới. Mẹ nhớ mai ra nhà văn hóa đóng tiền điện đó. Sáng có thông báo rồi đó ạ”.
Quả nhiên bà hốt hoảng trợn mắt:
“Sao đã hết ga rồi à. Mà tiền điện tháng này hết bao nhiêu?”
“Dạ điện nước gộp lại gần 1,2 triệu mẹ ạ”.
Mẹ chồng tôi im bặt, đi ra. Đến tối hôm đó, tôi vừa dọn bàn ăn tối thì bố chồng tôi hỏi:
“Sao nay toàn đậu, trứng thế này. Bà định cho bố con tôi ăn chay đấy hả?
“Ăn thế là được rồi còn gì. Ông còn muốn thế nào nữa?”. Bà cau mặt, giọng khó chịu đáp lại.
Bố chồng nghe vậy lớn giọng:
“Ô cái bà này, tại trước nay con dâu đi chợ sắm sửa lúc nào cũng đầy đủ thức ăn đa dạng các kiểu. Mới sang tới tay bà vài ngày đã chuyển hết thành trứng đậu. Đà này chỉ vài ngày nữa chắc bố con tôi chan cơm với nước trắng”
Chẳng là lúc chuyển tiền cho mẹ chồng chi tiêu, tôi cũng nói thẳng với cả nhà để mọi người làm trọng tài luôn:
“Vâng, con dâu ông chi tiêu khéo, còn tôi chỉ được thế thôi. Đấy từ nay con Lan giữ lấy tiền mà đi lo liệu, mẹ không cầm tiền nữa”.
Bà quay thẳng về phòng, tối đó bỏ cơm luôn, nói thế nào cũng không chịu ra ăn. Nghĩ lại tôi vẫn thấy buồn cười.
Theo Nắng (Tri thức & Cuộc sống)