Vụ việc mới đây xảy ra ở Quảng Ninh như một hồi chuông cảnh báo cho các gia đình, đang thực hiện những thói quen sai lầm với bình nóng lạnh.
Hiện nay, bình nóng lạnh đã trở thành một trong những thiết bị quen thuộc trong hầu hết mọi gia đình, đặc biệt là vào mùa lạnh. Thiết bị có tác dụng cung cấp nước nóng tại các vòi nước như vòi hoa sen, vòi bồn rửa, từ đó phục vụ các nhu cầu khác nhau của người dùng.
Cách sử dụng bình nóng lạnh cũng được đánh giá là rất đơn giản. Người dùng chỉ cần bật aptomat hoặc cắm điện, hệ thống điện sẽ làm nước nóng dần lên theo đúng nhiệt độ đã được cài sẵn. Cũng chính bởi cơ chế hoạt động này nên nhiều gia đình đã lạm dụng việc cắm điện/bật aptomat bình nóng lạnh liên tục để mọi thời điểm trong ngày đều có nước nóng.
Hành động tưởng chừng nhưng rất bình thường song thực tế lại tiềm ẩn nguy cơ gây nguy hiểm cho cả thiết bị và người dùng. Trường hợp mới đây nhất xảy ra ở Quảng Ninh là một ví dụ. Cụ thể, bình nóng lạnh của một gia đình bất ngờ phát nổ ngay cả khi không có ai sử dụng. May mắn thời điểm xảy ra vụ việc không có ai ở nhà, vì vậy không có thương vong về người. Gia chủ cho biết, chiếc bình nóng lạnh được gia đình thường xuyên bật và chỉ tắt khi đi tắm.
Vì sao không nên bật bình nóng lạnh liên tục trong thời gian dài?
Để giải thích có việc vì sao không nên bật bình nóng lạnh liên tục trong thời gian dài, người dùng cần hiểu sâu hơn, kỹ hơn về cơ chế hoạt động của thiết bị. Sau khi được cắm điện hoặc bật aptomat để thiết bị tiến hành đun nước, khi đủ đúng với nhiệt độ được cài sẵn, rơ le sẽ tự động ngắt mạch điện vào sợi đốt để có thể giữ được bình chỉ nóng ở mức nhiệt độ ấy. Tuy nhiên sau 1 thời gian, nước trong bình sẽ nguội đi, lúc này rơ le nhiệt lại tiếp tục đóng mạch để sợi đốt đun nước. Hoạt động này sẽ tiếp diễn và lặp đi lặp lại để có thể duy trì độ nóng của nước ở trong bình phục vụ cho nhu cầu sử dụng của người dùng.
Chính vì vậy, việc bật liên tục dù không sử dụng, cũng khiến bình nóng lạnh phải hoạt động liên tục trong trạng thái hết công suất. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiết bị bị quá tải, khiến các linh kiện của bình nhanh hỏng, hiệu suất sử dụng không được như ban đầu, tuổi thọ của bình giảm đi rất nhiều.
Cụ thể, bộ phận cảm ứng của bình sẽ bị giảm độ chính xác, đóng cặn làm nước nóng lâu, thanh nhiệt làm nóng hay lớp cách điện bị ăn mòn nhanh chóng. Những vấn đề trên sẽ khiến bình nóng lạnh dễ bị nứt, thủng, gây rò rỉ điện, thậm chí tiềm ẩn nguy cơ chập cháy, nguy hiểm tới sức khỏe và tính mạng của người dùng.
Bên cạnh đó, bật bình nóng lạnh trong thời gian dài còn khiến hóa đơn tiền điện của gia đình gia tăng đáng kể. Nhiều người dùng đã tiến hành làm thí nghiệm kiểm tra và theo dõi xem, nếu bật liên tục bình nóng lạnh cả ngày, thì thiết bị sẽ tiêu tốn bao nhiều số và tiền điện. Kết quả cho thấy, ví dụ với 1 chiếc bình công suất 2431W, sau 2 ngày được bật liên tục, bình tiêu thụ 13,76 số điện. Nhân với số ngày trong tháng cùng giá tiền điện sinh hoạt hiện nay, từ 200 đến 300 số điện là bậc 4, thì tổng số tiền gia đình phải trả khi dùng bình nóng lạnh lên tới hơn 523.000 đồng.
Bình nóng lạnh cũng đứng thứ 2 trong danh sách những thiết bị “ngốn” điện không ngờ tới của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đưa ra. Kết quả này tương tự với kết luận từ Bộ Năng lượng Hoa Kỳ, rằng hệ thống đun nước nóng nói chung hay các loại bình nóng lạnh nói riêng chính là thiết bị sử dụng điện lớn thứ 2 trong các gia đình, chiếm trung bình khoảng 18% chi phí tiền điện.
Khoảng thời gian lý tưởng để bật bình nóng lạnh
Theo SF Gate, trang tin tức phổ biến thứ 2 ở California, Mỹ với gần 30 triệu độc giả mỗi tháng, dựa trên nhu cầu sử dụng, một gia đình có thể sẽ cần bật bình nóng lạnh khoảng 3 giờ/ngày. Cách dùng được khuyên đó là nên bật bình vào khoảng thời gian 15 – 30 phút trước khi sử dụng, tùy vào dung tích bình. Khi sử dụng, tuyệt đối nên tắt bình.
Việc làm trên sẽ giúp đảm bảo sự an toàn cho chính thiết bị và những người sử dụng, đồng thời tiết kiệm điện năng. Vào mùa đông, nếu muốn sử dụng nước nóng vào cả những công việc khác ngoại trừ tắm, người dùng có thể bật vào khoảng thời gian đầu các buổi như đầu buổi sáng, đầu buổi chiều hay đầu buổi tối, mỗi khung giờ bật 30 phút – 60 phút tùy vào nhu cầu.
Một lưu ý khác để việc sử dụng bình nóng lạnh được an toàn hơn, đó là người dùng nên chú ý đến lịch vệ sinh, bảo dưỡng thiết bị. Theo các chuyên gia đánh giá, bình nóng lạnh lâu ngày không được vệ sinh, bảo dưỡng sẽ gây ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động của thiết bị, ảnh hưởng tới nguồn nước sinh hoạt, gây lãng phí điện năng, và nghiêm trọng nhất là tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố chập cháy.
Chính vì vậy, người dùng nên tiến hành bảo dưỡng, vệ sinh bình nóng lạnh định kỳ 1 năm 1 lần. Tại các khu vực chất lượng nguồn nước không tốt, nước có nhiều cặn thì có thể tiến hành thường xuyên hơn, khoảng 6 tháng 1 lần.
Nếu chưa đến thời gian bảo dưỡng mà bình nóng lạnh xuất hiện những dấu hiệu như các bộ phận của bình bị han gỉ nghiêm trọng, đặc biệt là phần dây nối; bình phát ra tiếng ồn bất thường; bình bị rò rỉ nước hoặc bình đun nước không đủ nóng…, thì người dùng cũng nên ngưng sử dụng và kiểm tra kịp thời.
Theo Thu Phương (Nguoiduatin.vn)https://soha.vn/binh-nong-lanh-o-quang-ninh-phat-no-khi-khong-co-nguoi-su-dung-do-thoi-quen-sai-lam-cua-nhieu-gia-dinh-20231115093911774.htm