Đau đầu khi thời tiết thay đổi là tình trạng xảy ra phổ biến đối với mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, nếu không hiểu rõ nguyên nhân để phòng ngừa, cải thiện sẽ khiến bệnh ngày một nặng hơn, thậm chí đe dọa tính mạng.
Vì sao dễ đau đầu khi thời tiết thay đổi?
Báo VietNamNet dẫn lời bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga (Bộ Quốc phòng), cho biết đau đầu mỗi khi thay đổi thời tiết là tình trạng xảy ra phổ biến đối với mọi lứa tuổi, có thể do nhiều nguyên nhân.
Việc tăng hoặc giảm nhiệt độ có thể gây rối loạn co thắt mạch máu, từ đó làm thay đổi lưu thông máu trong cơ thể, khiến lượng máu lên não thay đổi, gây co thắt mạch máu trong não nên đau đầu.
Có người nhạy cảm ánh sáng, đi ra nắng bị chói mắt, cơ thể thậm chí còn bị dị ứng, tăng tiết histamine, tăng tiết tuyến thượng thận, làm thay đổi lượng máu lưu thông trong người nên gây thiếu máu não. Có người tăng lượng máu trên não, cũng gây rối loạn co thắt khiến đau đầu.
Độ ẩm không khí tăng hay giảm, việc tiết mồ hôi hay uống nước thay đổi, dẫn tới rối loạn thay đổi nồng độ các chất điện giải, làm máu đặc hay loãng hơn, vẫn làm thay đổi lưu thông máu trong cơ thể.
Các cơn đau đầu có thể xảy ra do sự thay đổi của áp suất không khí. Áp suất bên ngoài giảm xuống sẽ tạo ra sự khác biệt (chênh lệch) giữa áp suất ở không khí bên ngoài và không khí bên trong xoang của cơ thể hay áp suất tai trong. Cơ thể tìm cách thích nghi, gây co thắt mạch máu não, chèn ép dây thần kinh, gây ra đau đầu, khó chịu.
Nhiều người giống bạn, nhạy cảm với sự thay đổi của thời tiết, nên được gọi vui là “cỗ máy dự báo thời tiết”. Họ thường là người làm nhiều công việc trí óc, căng thẳng, ngủ kém, rối loạn nội tiết (đặc biệt phụ nữ từ 40-50 tuổi là đối tượng nhiều nhất), ăn ngủ không điều độ. Nhóm người này bình thường đã hay đau đầu, gặp dịp thay đổi thời tiết lại dễ đau đầu hơn.
Người bị thiếu máu như mắc bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia), thiếu sắt hoặc phụ nữ gần giai đoạn có chu kỳ kinh nguyệt, hormone thay đổi nội tiết… cũng dễ đau đầu khi thay đổi thời tiết.
Biểu hiện đau đầu khi thay đổi thời tiết đa dạng. Có người đau nửa đầu, có người đau theo nhịp đập của tim; thêm hoa mắt chóng mặt, sợ ánh sáng, buồn nôn, tê bì mặt…
Nếu lo lắng đau đầu có thể có bất thường mạch máu, khi có điều kiện, nên đi khám, chụp CT, MRI để biết chính xác bản thân có bị bất thường (phình mạch máu não) hoặc có khối u nào trong não hay không. Tôi vẫn thường khuyên mọi người nếu đau đầu ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt, công việc, ví dụ một tuần 7 ngày nhưng có tới 2-3 ngày đau cả buổi thì nên đi khám.
Nếu có cơn đau đầu dữ dội, đau như sét đánh, chưa từng có cơn đau nào như thế, đau kèm ù tai thường xuyên thì nên đi viện khám.
Cách giảm cơn đau đầu do thay đổi thời tiết
Ghị nhận trên VnExpress, cách phòng ngừa những cơn đau đầu mỗi khi thời tiết “ẩm ương” là duy trì thói quen sinh hoạt điều độ và và chế độ dinh dưỡng lành mạnh. Bạn nên thiết lập thói quen vận động đều đặn mỗi ngày bằng bất cứ bài tập thể dục ưa thích nào như đi bộ, đạp xe…
Nếu không có nhiều thời gian, bạn có thể tranh thủ tập luyện các động tác giãn cổ hay tư thế yoga đơn giản giúp máu lưu thông lên não tốt hơn. Bên cạnh chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế các chất kích thích thì bổ sung nhiều rau xanh, trái cây chứa vitamin C vào thực đơn hằng ngày cũng có ích nhằm ngăn chặn cơn đau đầu quay lại.
Ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày vào một khung giờ đều đặn sẽ có lợi cho hệ thần kinh. Giữ ấm cơ thể, chân tay, tai và cổ trong những ngày thay đổi thời tiết giúp phòng tránh trúng gió hay cảm lạnh gây đau đầu. Trong trường hợp cần cắt nhanh cơn đau đầu để tiếp tục công việc dang dở, một số người sử dụng thuốc giảm đau đầu, thường có chứa thành phần paracetamol.
Paracetamol là một trong những thành phần phổ biến trong các loại thuốc giảm đau trên thị trường hiện nay. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), paracetamol là thành phần có thể sử dụng cho trẻ. Liều lượng theo khuyến cáo của WHO là 10-15mg/kg cân nặng và tối đa không quá 60 mg/kg thể trọng trong 24 giờ.
PN (SHTT)