Nhóm máu có thể liên quan rất nhiều tới tình trạng sức khỏe của bạn. Mới đây, các nhà khoa học cho rằng nhóm máu cũng có thể dự đoán nguy cơ mắc đột quỵ – căn bệnh gây tử vong hàng đầu.
Các nhà nghiên cứu ở Đại học Maryland (Mỹ) đã phân tích tổng hợp dữ liệu từ 48 nghiên cứu di truyền về đột quỵ do thiếu máu cục bộ ở những người dưới 60 tuổi.
Những nghiên cứu này dựa trên kết quả phân tích 17.000 bệnh nhân đột quỵ và gần 600.000 người khỏe mạnh. Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy mối liên hệ giữa đột quỵ sớm và một vùng nhiễm sắc thể chứa gen quyết định nhóm máu (A, B, AB hoặc O).
Nghiên cứu chỉ ra những người có nhóm máu A có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn 16% trước 60 tuổi nhưng chỉ khoảng 5% đối với đột quỵ khởi phát muộn hơn. Trong khi đó, những người trẻ tuổi có nhóm máu O ít có khả năng bị đột quỵ hơn 12% và chỉ 4% khả năng bị đột quỵ khởi phát muộn hơn.
Một nghiên cứu khác được trình bày tại hội nghị của Hiệp hội Tim mạch Mỹ vào năm 2011 cũng từng chỉ ra những người không thuộc nhóm máu O, nghĩa là người thuộc nhóm máu A, B hoặc AB, có thể tăng nguy cơ đột quỵ sớm.
Theo đó, nam giới và phụ nữ có nhóm máu AB có nguy cơ đột quỵ cao hơn 26% so với những người có nhóm máu O, trong khi phụ nữ có nhóm máu B có nguy cơ đột quỵ cao hơn 15% so với phụ nữ có nhóm máu O.
Ngoài ra, họ cũng so sánh dữ liệu của những người bị đột quỵ trước và sau 60 tuổi. Nghiên cứu dựa trên dữ liệu của 9.300 người ở độ tuổi trên 60, từng bị đột quỵ và 25.000 người trên 60 tuổi chưa bao giờ trải qua đột quỵ.
Kết quả cho thấy, nguy cơ đột quỵ gia tăng ở nhóm máu A là không đáng kể ở nhóm người mắc đột quỵ muộn. Điều này cho thấy cơ chế gây ra đột quỵ ở từng giai đoạn trong đời là khác nhau.
Mặc dù các nhà nghiên cứu đã tìm thấy mối liên hệ giữa nhóm máu A và nguy cơ đột quỵ khởi phát sớm, nhưng họ nhấn mạnh rằng nguy cơ gia tăng là rất khiêm tốn. Theo đó, những người có nhóm máu A không nên lo lắng về việc bị đột quỵ khởi phát sớm, hoặc phải thực hiện thêm các cuộc kiểm tra, xét nghiệm y tế sau khi biết được thông tin này.
Mitchell, giáo sư y khoa tại Đại học Maryland chia sẻ: “Về mặt lâm sàng, chúng ta không nên lo lắng về việc nhóm máu của chúng ta có nguy cơ cao bị đột quỵ. Có những yếu tố nguy cơ khác của đột quỵ quan trọng hơn nhiều, chẳng hạn như tăng huyết áp và hút thuốc. Vì vậy, nếu chúng ta muốn giảm nguy cơ đột quỵ, đó thực sự là những yếu tố mà chúng ta nên chú ý”.
Nhà thần kinh học Steven Kittner, Đại học Maryland (Mỹ), tác giả chính của nghiên cứu đăng trên Neurology, thông tin: “Chúng tôi vẫn chưa biết tại sao nhóm máu A lại có nguy cơ cao hơn. Nguyên nhân có thể liên quan đến các yếu tố đông máu như tiểu cầu cũng như các protein tuần hoàn khác, tất cả đều đóng vai trò dẫn tới cục máu đông”.
Nghiên cứu trước đây cũng kết luận những người có nhóm máu A có thể bị huyết khối tĩnh mạch sâu hơn. Mang nhóm máu AB dễ khiến một người có khả năng nhiễm và tử vong vì Covid-19 hơn.
Theo Tiến sĩ Mitchell, nếu không thể thay đổi nhóm máu, bạn có thể thay đổi lối sống, kiểm soát huyết áp cao, đái tháo đường, mức cholesterol cao, hút thuốc, béo phì… để giảm nguy cơ đột quỵ. Thay đổi lối sống có thể ngăn ngừa đến 80% đột quỵ.
Một số thay đổi lối sống bao gồm bỏ hút thuốc, ăn nhiều trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, cá và các loại hạt, tập thể dục thường xuyên, thậm chí chỉ 10 phút mỗi ngày. Những người bị huyết áp cao nên đo huyết áp tại nhà và ghi lại số đo hàng ngày; theo dõi mức cholesterol và thường xuyên liên lạc với bác sĩ nếu có sự thay đổi bất thường.
Triệu chứng của đột quỵ
Nếu bạn nghĩ ai đó có thể bị đột quỵ, hãy làm bài kiểm tra F.A.S.T đơn giản sau:
F (Face) – Khuôn mặt: Yêu cầu người đó mỉm cười. Một bên mặt có bị xệ không?
A (Arms) – Tay: Đề nghị người đó giơ cả hai cánh tay lên. Một cánh tay có trôi xuống phía dưới không?
S (Speech) – Lời nói: Yêu cầu người đó lặp lại một cụm từ đơn giản. Họ có nói ngọng không?
T (Time) – Thời gian: Nếu bạn thấy bất kỳ dấu hiệu như trên, hãy gọi cấp cứu ngay.
Các biểu hiện khác bao gồm đột ngột yếu hoặc tê ở một bên cơ thể, khó tìm từ để diễn đạt, mờ mắt đột ngột hoặc mất thị lực, nhầm lẫn, chóng mặt hoặc mất thăng bằng, đau đầu đột ngột và dữ dội, không hiểu những gì người khác đang nói, khó nuốt…
Máu được tạo thành từ các loại tế bào khác nhau trôi nổi trong chất lỏng được gọi là huyết tương. Các tế bào này bao gồm hồng cầu (cung cấp oxy cho các mô trong cơ thể, loại bỏ CO2 ra khỏi cơ thể), bạch cầu (chống lại nhiễm trùng), tiểu cầu (giúp đông máu).
Bốn nhóm máu chính là A, B, O, AB và mỗi loại có thể dương tính hoặc âm tính.
HL (SHTT)