Tai là một bộ phận khá nhạy cảm, vì vậy chỉ cần một chút sơ suất nhỏ cũng có thể làm ảnh hưởng đến thính lực. Sau đây là những cách làm sạch tai sai lầm mà bạn có thể mắc phải.
Ráy tai (hay cerumen), là chất tiết tích tụ thành lớp mỏng trên da ống tai ngoài. Ráy tai ở con người và đa số các động vật có vú. Khoa học chứng minh rằng, ráy tai trong ống tai sẽ trộn lẫn với bụi bẩn, mồ hôi và các tế bào chết. Như vậy, ráy tai sẽ giúp ngăn chặn sự tấn công của nấm, vi khuẩn, côn trùng từ bên ngoài, giảm thiểu những tác động ảnh hưởng đến thính giác của con người.
Về khoa học thì ráy tai có lợi và không cần phải lấy ra. Tuy nhiên ráy tai quá nhiều có thể ảnh hưởng đến khả năng nghe và hình thành nút ráy tai nên việc vệ sinh tai hợp lý và đúng cách là vấn đề hết sức quan trọng.
Những sai lầm cần tránh khi lấy ráy tai
Ngày nào cũng lấy ráy tai
Một trong những sai lầm khi lấy ráy tai phổ biến nhất là ngoáy tai hằng ngày. Theo quy luật tự nhiên, ráy tai sẽ từ từ tự thoát ra bên ngoài, cuốn theo nhiều mầm bệnh và tế bào da chết ra khỏi tai. Cụ thể, dưới tác động của các nhung mao trên bề mặt tế bào tuyến, ráy tai sẽ tự khô rồi bong ra, di chuyển theo chiều từ trong ra ngoài. Do vậy, bạn không cần thiết phải lấy ráy tai hàng ngày.
Rửa tai quá nhiều
Nếu bạn cho rằng việc làm sạch tai thường xuyên là đúng và cần thiết thì tốt nhất bạn nên xem xét lại ngay bây giờ. Vì thực tế, tai có cơ chế tự làm sạch của chính nó, luôn đảm bảo tai ở trạng thái tốt nhất. Do đó, việc làm sạch quá thường xuyên đôi khi còn dẫn đến tác dụng ngược, vì ráy tai đã bị lấy đi hết. Trong khi tai cũng cần có một ít ráy tai để ngăn chặn sự xâm nhập của vi khuẩn và các dị vật bên ngoài. Hãy chỉ ráy tai khi cần thiết như cảm thấy khó chịu, lùng bùng hoặc bị bít tắc lỗ tai bạn nhé.
Dùng bông ráy tai
Việc dùng bông ráy tai đã là thói quen của rất nhiều người vì sự tiện lợi và dễ sử dụng. Tuy nhiên, bạn cần biết những tác hại mà bông ráy tai có thể mang lại nếu sử dụng quá thường xuyên.
Trong quá trình dùng bông ráy tai, bạn có thể sẽ vô tình đẩy ráy tai vào sâu bên trong dẫn đến hiện tượng tắc nghẽn. Điều này có thể sẽ ảnh hưởng đến chức năng của màng nhĩ hoặc gây ra những tổn thương cho thính giác.
Dùng nến xông tai
Nến xông tai là một cây nến rỗng ruột được làm bằng sáp ong. Có quan niệm cho rằng việc đốt cây nến rỗng ruột sẽ tạo thành một lực hút, qua đó hút ráy tai và chất bẩn trong tai. Tuy nhiên, cách vệ sinh tai này có thể gây bỏng nghiêm trọng bên trong tai.
Các nghiên cứu đã cho thấy dùng nến xông tai không hề có tác dụng làm sạch tai và thậm chí có thể gây tổn thương nặng nề cho tai.
Dùng xi lanh thụt rửa tai
Nếu sử dụng xi lanh để bơm, thụt nước muối vào tai có thể gây viêm nhiễm. Bên cạnh đó, áp lực từ ống xi lanh có thể khiến tai dễ bị thủng màng nhĩ. Khi đó, bạn sẽ mất khá nhiều thời gian và trải qua đau đớn trước khi lớp màng nhĩ có thể tự lành lại.
Dùng vật nhọn lấy ráy tai
Nhiều người có thói quen dùng đầu chiếc chìa khóa, chiếc kẹp tóc hay đơn giản là móng tay… để làm sạch ráy tai và loại bỏ bụi bẩn trong lỗ tai. Điều này có thể gây xước lớp niêm mạc phía trong của tai, gây nhiễm trùng.
Cố ngoáy tai
Đang bị bệnh về tai như viêm tai giữa nếu cố thực hiện hành động này chỉ gây đau đớn, tổn hại đến tai của bạn mà thôi.
Hiện nay, có nhiều phương pháp lấy ráy tai an toàn mà bạn có thể tham khảo như: dùng nước muối sinh lí, nước ấm, hay các dung dịch có bán ngoài thị trường như Hydrogen Peroxide, Glycerin, dầu ô liu, dầu dừa,… Các dung dịch này giúp làm mềm ráy tai đồng thời có thể hạn chế khả năng vi khuẩn xâm nhập vào tai gây ra các bệnh viêm tai.
Theo Thanh Huyền (Tiền Phong)