Các bác sĩ xác nhận cô gái đã nhiễm Mycobacteria abscessus, một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra các tổn thương da mưng mủ và đau đớn.
Báo Tiền Phong dẫn nguồn từ The New York Post, Beatriz Amma 23 tuổi, được cho là đã chi 800 USD (gần 20 triệu VNĐ) tại một spa sang trọng để nhận hàng chục mũi tiêm vitamin B1 và C trộn với axit deoxycholic “hòa tan nhanh”, tiêm vào mỗi cánh tay, lưng và dạ dày.
Chỉ vài ngày sau, Amma, hiện 26 tuổi, cho biết: “Da tôi có rất nhiều lở loét. Chúng chỉ bắt đầu nổi lên ở những chỗ được tiêm… Toàn bộ cơ thể tôi bắt đầu ăn sống chính nó”.
Các bác sĩ xác nhận người phụ nữ này đã nhiễm Mycobacteria abscessus, một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra các tổn thương da mưng mủ và đau đớn. Họ tin rằng đó là kết quả của việc tiêm axit deoxycholic không đúng cách.
“Tất cả đều trông cực kỳ hợp pháp, sạch sẽ và chuyên nghiệp,” Amma nói về spa ở Los Angeles nơi cô tiêm thuốc giảm béo”.
“Trong thời gian này, da thịt của tôi đang thối rữa. Tôi thậm chí không thể mặc quần áo vào. Tôi cần giúp đỡ để đi vào nhà vệ sinh. Tôi cần được giúp đỡ khi tắm và thay đồ,” Amma nhớ lại giai đoạn kinh hoàng đó.
Hiện vẫn đang hồi phục sau cơn bệnh, Amma nhớ lại lúc cô nghĩ mình có thể mất mạng vì căn bệnh ‘ăn thịt người’: “Tôi đã cầu nguyện với Chúa và nói ‘Nếu đây là thời điểm của tôi, hãy đưa tôi đi’. Cơ thể tôi đã thua cuộc chiến. Tôi nhớ mình đã đau đớn đến mức tưởng mình sẽ chết vào đêm hôm đó. Tôi không thể chiến đấu được nữa.”
Cựu người mẫu áo tắm này đã trải qua nhiều cuộc phẫu thuật để loại bỏ mô bị nhiễm trùng và phải chịu đựng 6 giờ tiêm kháng sinh qua đường tĩnh mạch mỗi ngày.
Amma cho biết căn bệnh ngoài da đã ảnh hưởng đáng kể đến thể lực của cô, ảnh hưởng đến những ước mơ. Các bác sĩ khuyên cô không nên mặc bikini ở nơi công cộng kẻo khiến người khác sợ hãi.
Amma đã trải qua nhiều cuộc phẫu thuật để loại bỏ phần da bị thối rữa.
Theo Dân Trí, có 3 nguyên nhân có thể dẫn đến tai biến sau tiêm thuốc tan mỡ: Thuốc tiêm tan mỡ không rõ nguồn gốc, kỹ thuật tiêm sai, không đảm bảo vô trùng trong khi tiêm.
Đối với kỹ thuật tiêm tiêu mỡ vùng, nếu tiêm quá nông ở trên bề mặt da, thuốc có thể gây loét vùng da tại vị trí tiêm. Còn tiêm quá sâu, hệ quả không chỉ gây hoại tử tại chỗ tiêm mà còn lan đến các vùng khác của cơ thể.
Trường hợp sau khi đi tiêm giảm béo, nếu xuất hiện biểu hiện sưng tấy, chảy mủ…, người bệnh cần phải đến bệnh viện để điều trị càng sớm càng tốt. Nhiều trường hợp, thuốc tiêm tan mỡ phá hủy luôn màng tế bào của các tổ chức mạch máu, thần kinh nơi thuốc đi đến, khiến tình trạng hoại tử lan rộng, ăn sâu vào trong càng gây khó cho quá trình điều trị khắc phục. Lúc đó, bệnh nhân sẽ phải được cắt lọc ổ hoại tử, nguy cơ mất tổ chức, có thể để lại sẹo xấu gây mất thẩm mỹ.
Nguyên nhân mỡ tích lũy là do chế độ ăn uống, vận động không hợp lý đã diễn ra trong một thời gian dài. Do đó, cần điều chỉnh chế độ ăn uống kèm với tập luyện giúp cơ thể giảm mỡ.
Nếu có nhu cầu can thiệp giảm béo, người bệnh nên đến các cơ sở uy tín, để được các bác sĩ thăm khám, tư vấn lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp với bản thân.
PN (SHTT)