Bát thịt rang thiếu hành là giọt nước tràn ly khiến cuộc hôn nhân của tôi đổ vỡ. Thiết nghĩ, nhân lúc cả hai chưa có ràng buộc gì với nhau thì ly hôn sớm còn hơn, chứ sống thế này cả đời tôi chịu không nổi.
Tôi gả vào một gia đình gia trưởng, chồng không biết phân rõ trắng đen, anh luôn nghe lời mẹ, cho rằng mọi điều mẹ nói đều đúng. Còn tôi, địa vị trong nhà rất thấp. Lúc mới lấy chồng, gia đình anh cưỡng ép tôi ở nhà chăm lo cho gia đình. “Nhà mình có thiếu tiền đâu mà để em phải ra ngoài làm lụng vất vả. Kiếm được mấy đồng bạc lẻ đó thì em ở nhà chăm sóc nhà cửa đi rồi chuẩn bị mà mang thai”, chồng tôi đã nói như vậy.
Ban đầu tôi không nghe, nhưng sau cùng vì sự êm ấm của gia đình tôi đành phải nghe theo. Ở nhà bị mẹ chồng soi mói chẳng dễ chịu chút nào, mọi việc nhà đều đổ dồn lên vai tôi, đã thế còn bị nói này nói nọ, mệt hơn cả đi làm.
Hôm đó, tôi bị ốm nhưng vẫn phải đi chợ, làm hết việc nhà rồi nấu nướng cho cả nhà. Ấy vậy mà vì tôi quên cho hành vào đĩa thịt rang mà chồng và mẹ chồng lại thi nhau đay nghiến tôi:
– Tôi đã nói với cô bao nhiêu lần rồi, rang thịt phải cho hành vào, nhà này thích ăn hành. Ở nhà ăn bám mà có tí việc cũng làm không xong. Đầu óc cô để đi đâu vậy?
Đó là giọt nước tràn ly khiến cuộc hôn nhân của tôi đổ vỡ. Thiết nghĩ, nhân lúc cả hai chưa có ràng buộc gì với nhau thì ly hôn sớm còn hơn, chứ sống thế này cả đời tôi chịu không nổi.
Có câu “đàn ông sợ nhất nhầm nghề, đàn bà sợ nhất nhầm chồng”, nhưng tôi nghĩ phụ nữ gả vào nhầm nhà cũng rất đáng sợ. Đáng tiếc là kết thúc cuộc hôn nhân gần 2 năm tôi mới nhận ra điều này. Vì vậy khuyên các chị em, khi chọn chồng cần nhìn cả nhà chồng, nên né gả vào 3 kiểu gia đình này.
1. Gia đình không có gia phong, nề nếp
Khi nhận ra bạn đã phải lòng một người đàn ông mà gia đình họ thích cờ bạc, rượu chè hoặc dễ xung đột,… thì bạn cũng phải cảnh giác từng chút một. Nếu muốn anh ta hay người nhà anh ta bỏ đi những thói quen này là rất khó vì giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời.
Hay nếu đến nhà anh, thấy nhà cửa gọn gàng, ngăn nắp nhưng mẹ anh lại không cho con trai mình động vào việc nhà, thì rất có thể sau khi cưới mọi việc trong nhà cũng sẽ được giao hết cho bạn đấy. Hay nếu thấy anh nghe lời bố mẹ răm rắp, không biết phân biệt đúng sai thì chứng tỏ bố mẹ anh ta là người thích can thiệp vào cuộc sống hôn nhân của con trai mình, anh ta là người không có chính kiến. Và nếu gả cho một người đàn ông như vậy, một gia đình như vậy thì e rằng cuộc sống sau khi kết hôn khó hạnh phúc.
2. Gia đình chồng gia trưởng, coi vợ/coi dâu như osin cấp cao
Người phụ nữ nào cũng từng là báu vật trong tay bố mẹ, vậy tại sao lại tự hạ thấp mình, chịu đủ mọi uất ức tủi nhục chỉ vì một người đàn ông khác?
Đối với người đàn ông đã lập gia đình, sự tôn trọng lớn nhất dành cho vợ chính là sự lắng nghe. Dù chuyện lớn hay chuyện bé thì hai vợ chồng nên bàn bạc với nhau, chồng nên lắng nghe ý kiến của vợ, như vậy gia đình có thể hòa thuận hơn.
Nhưng không phải gia đình nào đều như vậy, trên thực tế có không ít đàn ông gia trưởng, họ làm ra được ít tiền thì cho mình là nhất, quát mắng vợ con vô cớ và không hề biết đến hai chữ tôn trọng.
Nếu yêu một người đàn ông mà khi đến nhà anh ta, bạn thấy mẹ anh là người rất khiêm tốn, bố là người gia trưởng, thậm chí khi ông nói sai không ai dám sửa một từ thì bạn nên cân nhắc kỹ càng trước khi đi sâu vào mối quan hệ này. Nếu không, sau khi cưới có thể toàn bộ việc nhà đều do bạn một mình quán xuyến nhưng tiếng nói của bạn trong nhà lại chẳng có chút trọng lượng nào. Cuộc sống như vậy sẽ rất mệt mỏi và đầy tủi nhục đấy.
3. Gia đình coi con cái như cái máy rút tiền
Bố mẹ đã nuôi dưỡng chúng ta, là phận con cái nên biết ơn và đền đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục của bố mẹ, đồng thời cố gắng đáp ứng yêu cầu của bố mẹ. Nhưng, mọi việc nên làm có chừng mực.
Khi bố mẹ gặp khó khăn, già yếu, con cái nên giúp đỡ, chăm sóc. Nhưng ở một số gia đình, bố mẹ lại coi con cái như cái máy rút tiền, dù đang trẻ khỏe nhưng lại không chịu đi làm mà dựa dẫm vào con. Họ ăn chơi thỏa thích, hết tiền rồi lại ngửa tay xin tiền con, thậm chí là yêu cầu con cái trả nợ cờ bạc giúp mình.
Bố mẹ kiểu này không thể hiểu được sự vất vả của con cái. Họ chỉ quan tâm về việc họ có hạnh phúc không, và để đạt được mục tiêu của riêng mình, họ luôn lôi 2 chữ “hiếu thảo” ra để chèn ép con cái.
Nếu gả vào một gia đình như vậy thì áp lực cuộc sống của bạn sẽ rất lớn, bởi vì vừa phải làm vợ vừa phải giải quyết những rắc rối của bố mẹ chồng. Nói chung, người đàn ông bạn yêu chu cấp cho bố mẹ là hiếu thảo, nhưng nếu thấy gia đình coi anh như cái máy rút tiền thì bạn nên cân nhắc lại mối quan hệ này.
Theo Cẩm Tú (Đời sống Gia đình)